"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 3: Những cơn Cám dỗ đối với đức Giêsu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 3: Những cơn Cám dỗ đối với đức Giêsu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" THỰC DỤNG - Bài 3: Những cơn Cám dỗ đối với đức Giêsu - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

Bài 3: Những cơn Cám dỗ đối với đức Giêsu

1. Nẻo đường dễ dãi

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã trải qua một loạt các cám dỗ của Satan. Những cám dỗ này không phải chỉ là những cám dỗ lặt vặt liên quan đến của ăn cái mặc hay một chút tự ái của con người, mà chính là những cám dỗ tinh ranh của satan, cám dỗ về những cách thức thực hiện chương trình cứu độ khác với chương trình của Chúa Cha. Cám dỗ biến hòn đá thành bánh, đó là cám dỗ dùng việc thỏa mãn những những nhu cầu vật chất cho con người để chinh phục con người; cám dỗ nhẩy từ thành thánh xuống, đó là cám dỗ về cách thức làm những điều bí nhiệm, những phép lạ tỏ tường để thu hút lòng tin của người tín hữu; và cám dỗ về quyền lực, đó là cách thức dùng quyền bính để thiết lập Nước Trời, dùng một tổ chức cai trị, dùng những biện pháp bắt buộc. . . Những nẻo đường ấy thực sự là những nẻo đường dễ dàng rất nhiều cho sứ mệnh cứu độ Đức Giêsu, so với nẻo đường vâng ý Chúa Cha để chịu chết vì yêu thương con người, vì chúng không cần đến sự đáp trả tự do, thái độ tự nguyện, không cần đến lòng tín trung của con người. Dostoievsky diễn tả thái độ thực dụng tầm thường ấy qua miệng viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo nói với Chúa Giêsu như sau :

“Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người thì Chúa lại cứ mở rộng tự do thêm mãi ! Hay là Chúa quên rằng con người quý trọng sự yên ổn và thậm chí cả cái chết hơn là tự do lựa chọn trong sự nhận thức thiện ác ? Đối với con người không có gì hấp dẫn hơn tự do cho lương tâm, nhưng cũng không có gì khổ ải hơn. Thế mà thay cho những nguyên tắc nền tảng vững chắc để làm cho lương tâm con người mãi mãi yên ổn, Chúa lại chọn tất cả những gì là phi thường, bí ẩn và vu vơ, tất cả những cái không vừa sức con người, vì vậy Chúa hành động như thể hoàn toàn không yêu họ, thế mà Chúa đã hiến cả sinh mạng của mình cho họ đấy ! Đáng lẽ chiếm lấy tự do của con người, Chúa lại cứ tăng thêm mãi lên và làm cho thế giới tinh thần của họ chồng chất thêm mãi những dằn vặt vì tự do. Chúa muốn con người yêu tự do, để họ tự do đi theo Chúa, bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của Chúa. Thay cho luật pháp cứng rắn cổ thời, con người từ nay với trái tim tự do của mình, phải tự quyết định cái gì là thiện, cái gì là ác, mà chỉ lấy hình ảnh của Chúa trước mắt để định hướng cho mình. Nhưng chẳng lẽ Chúa không nghĩ rằng con người rút cuộc sẽ chối bỏ và thậm chí bài bác cả hình ảnh của Chúa và sự thật của Chúa, nếu như họ bị đè ép dưới một sức nặng khủng khiếp là sự tự do lựa chọn ? Cuối cùng họ sẽ la lên rằng sự thật không phải ở nơi Chúa, vì không thể nào đặt họ vào tình cảnh bối rối và dằn vặt hơn là Chúa đã làm, Chúa đã để lại cho họ biết bao lo âu và những nhiệm vụ không thể giải quyết nổi. . .”[1].

2. Nẻo đường coi thường con người

Những cách thức dễ dãi của Satan, thực chất, là thái độ hạ giá phẩm chất làm người của người tín hữu. Theo cách thức của Satan, đương nhiên đức Giêsu chấp nhận coi con người chỉ là những kẻ hèn mạt, dễ bị các nhu cầu vật chất chi phối, dễ bị thu hút bởi những gì hào nhoáng bên ngoài, thích ăn sẵn một cách nô lệ. Cám dỗ của Satan không là gì khác hơn đề nghị những phương thức thực dụng, dễ dãi để không còn những rắc rối của cuộc phiêu lưu trong mối tương quan ngôi vị.

Quả thật, Satan đã hết sức tinh ranh trong những cám dỗ này. Chỉ cần loại trừ được sự tự do của con người trên hành trình đức tin là có thể phá hủy được toàn bộ chương trình cứu độ của Chúa Giêsu. Không có tự do, con người không có khả năng yêu thương, không còn có thể được mời gọi đi vào nẻo đường yêu thương, và không có cách nào truy nhận Thiên Chúa như là chính Ngài, một Thiên Chúa yêu thương.

Cám dỗ của Satan chẳng những phá hủy nhiệm cục cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, nhưng còn “sửa lại” chính chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Khi ấy, con người không thể hiện được hình ảnh Thiên Chúa đã được ghi khắc trong bản chất người, nhưng biến thành những sinh vật giữa muôn ngàn sinh vật khác.

Con người không chỉ “là người”, nhưng còn phải “làm người”. Từ yếu tính “là người” cho đến phẩm chất “làm người” là cả một hành trình khó khăn, chênh vênh, nhưng cũng đẹp đẽ và hiên ngang biết bao. Hành trình ấy không thể theo chiều hướng đi xuống cách dễ dãi để trở nên như các sinh vật khác; chẳng phải chỉ là một đường ngang bế tắc, bít bùng; nhưng phải là hành trình siêu việt có khả năng vươn tới ngôi vị con người và tới một Thiên Chúa ngôi vị.

 


[1] Fiôdor Dôxtôepxki, Anh Em Nhà Karamazôp, Chương V, Viên Đại Pháp Quan Tôn Giáo, bản dịch của Phạm Mạnh Hùng, Nxb. Văn Học, Hà Nội 1989, trang 78-80.