Đạo là con đường mở ra cho cuộc sống, để sống cuộc đời làm người, chứ không phải là máy ATM để sở hữu điều mình muốn. Đây là vấn nạn rất phổ biến, bởi vì đối với các tín hữu, niềm tin vào Chúa, vào các bậc thần linh nhiều phen trở thành chỗ để người ta xin điều này, điều khác. Việc xin được như ý muốn hay không có ảnh hưởng khá quyết định đến lòng đạo!!! Thần nào muốn “đắt khách” thì ban cho tín hữu điều họ xin. Cũng chính vì sự tệ hại này mà, qua tiên tri Isaia, Đức Chúa nói rằng Ngài ngán những ngày lễ, ngán mùi mỡ bò, ngán khói hương mù mịt...!
Cũng vì không thấy được đạo là con đường cho cuộc sống nên nhiều tín hữu cảm thấy việc đi lễ, đọc kinh... là gánh nặng. Họ làm để không mắc tội, nên làm cho qua. Lúc ấy, những lời dạy của Chúa được tín hữu nhìn cách hờ hững, tìm cách tránh né, giảm nhẹ, có khi còn phản kháng những ai muốn sống lời Chúa. Sự phản kháng ấy không chỉ đến từ người ngoài, nhưng còn đến từ những người cùng niềm tin với mình! Chúa Giêsu nói Ngài đến mang lại gươm giáo, chia rẽ, bởi vì những người muốn sống lời Ngài bị phản đối, bị loại trừ bởi chính “người nhà” của mình!
Đạo là để sống. Lời Chúa là để thay đổi cuộc đời, để sống cho ra sống, để “sống cho ra người”. Nếu không quyết tâm sống lời Chúa và không cảm nhận được sự thay đổi của cuộc sống nhờ bước theo lời Chúa, thì lời Chúa dạy cũng chỉ mang “tính cách minh họa”, mang tính cách trang trí thôi!
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105)
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn