"ĐẠO" HIẾU KÍNH - Bài 1: Thái độ kính sợ đối với Thiên Chúa - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" HIẾU KÍNH - Bài 1: Thái độ kính sợ đối với Thiên Chúa - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"ĐẠO" HIẾU KÍNH - Bài 1: Thái độ kính sợ đối với Thiên Chúa - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn

"Đạo" Hiếu Kính

Thái độ kính sợ đối với Thiên Chúa

1. Thái độ tự nhiên

Đối với người Kitô hữu, cũng như trong mọi tôn giáo khác, mối tương quan với Thượng Đế, là Đấng cao cả, Đấng làm chủ tể muôn loài…, luôn được diễn tả với tâm tình kính sợ hoặc hiếu kính[1]. Ngay đối với cha mẹ, với các vị anh hùng, các ân nhân, thái độ hiếu kính cũng đã là điều đương nhiên phải có. Do vậy, hiếu kính thường được coi như là tâm tình "tự nhiên", bình thường, quen thuộc và có thể được coi như thái độ tất yếu trong tôn giáo.

Trong truyền thống Do Thái-Kitô giáo, đặc biệt trong Cựu Ước, chúng ta có thể thấy trong từng chương, từng sách những diễn tả về thái độ tôn kính của Dân Chúa đối với Thiên Chúa như Đấng Thánh cao cả…

"Người phán: Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh" [Xh 3,5]

"Người phán: Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn còn sống"; và Mô-sê, tôi trung của Chúa, cũng chỉ được thấy lưng của Thiên Chúa mà thôi [Xh 33,20; xc. 33,18-23]

"Này Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi đã cho thấy Người vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa. Hôm nay chúng tôi đã thấy rằng Thiên Chúa phán với con người và con người vẫn sống. Bây giờ tại sao chúng tôi phải chết ? Vì ngọn lửa lớn này có thể thiêu rụi chúng tôi. Chúng tôi mà cứ tiếp tục nghe tiếng của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, thì chúng tôi chết mất. Thật vậy, có người phàm nào đã được nghe tiếng của Thiên Chúa hằng sống phán từ trong đám lửa, như chúng tôi đã được nghe, mà vẫn còn sống?" [Đnl 5, 24-26]

Ngay mặt của Mô-sê, kẻ được tiếp xúc với Thiên Chúa, cũng khiến dân chúng không dám nhìn, và ông phải mang tấm khăn che mặt khi tiếp xúc với dân [Xc. Xh 34,29-35].

Đặc biệt là kinh nghiệm của Isaia về một Thiên Chúa là Đấng Ba Lần Thánh [Xc. Is 6, 1-5]

Trong Tân Ước, chúng ta cũng có thể tìm thấy một vài nơi diễn tả thái độ hiếu kính đối với Đức Giêsu, chẳng hạn:

"Thấy vậy, ông Simon-Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói  "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !" [Lc 8,8].

 "Người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nói với ông Phê-rô "Chúa đó!". Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Si-mon Phê-rô vội khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhẩy xuống biển" [Ga 20,7]

2. Giới hạn

Bí Tích Thánh Thể và đời sống Ki-tô hữu

Tuy nhiên, ngay trong mức độ con người với nhau, người ta đã có thể thấy thái độ hiếu kính thường trở thành "kính nhi viễn chi". Càng kính sợ Thiên Chúa, con người càng xa Chúa; càng đối diện với uy linh của Chúa, con người càng khúm núm và ngại ngần. Thái độ như thế là điều rất bình thường trong Cựu Ước, chẳng hạn:

"Họ nói với ông Mô-sê: xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất !" [Xh 21,19]

Và ngay trong Tân Ước ta cũng thấy có trường hợp dân chúng kính sợ quyền năng của Đức Giêsu và xin Ngài rời xa họ:

"Bấy giờ, cả thành ra đón đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ". [Mt 8,34]

Một vài trích dẫn như trên, ít ra, cũng cho chúng ta thoáng thấy một vấn đề, nếu không phải là một thách đố hay một nguy cơ ngay trong chính thái độ hiếu kính "tự nhiên" của con người đối với Thiên Chúa. Liệu chừng một thái độ “tự nhiên” như thế có thể hoàn toàn thích hợp với tâm tình Kitô giáo không? Liệu chừng nhiệm cục cứu độ “khác thường” và siêu nhiên của Thiên Chúa có bao hàm một tâm tình vượt trên hoặc làm trọn vẹn hơn tâm tình hiếu kính bình thường của con người trước Thiên Chúa không ?           

Còn tiếp...


[1] Nhiều chỗ trong bài này phải hiểu là thái độ “kính sợ”. Tuy nhiên, trong nhiệm cục cứu độ, ngay cả thái độ “hiếu kính” thuần túy có lẽ cũng không đủ để thể hiện tâm tình người Kitô hữu được làm bạn và làm em đối với Đức Giêsu.