Nếu Hài Nhi, Đấng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, được gọi là Vị Vua Hoà Bình (x. Is 9,5), thì ngày đầu năm mới, vừa mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vừa là ngày cầu nguyện cho hoà bình, thì thật là có ý nghĩa. Hơn nữa, với khát vọng hoà bình của con người ngày càng rực cháy hơn trong một thế giới đầy bạo lực, chiến tranh như ngày nay, thì ngày đầu tiên của một năm được dành để cầu nguyện cho hoà bình, thì thật là đáng quý! Khi con người nhận ra rằng khao khát và nỗ lực của con người không đủ để mang lại hoà bình cho thế giới, thì con người càng ý thức mình cần đến Thiên Chúa và cần trở về với Thiên Chúa, trở về Chúa Kitô, Đấng mà Thiên Chúa ban cho thế giới và được Đức Maria cộng tác để đưa Ngài vào thế giới.
Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Hoà Bình năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến thái độ “cùng nhau”, đi từ kinh nghiệm tiêu cực của những năm đại dịch Covid, mọi người ở trên cùng một con thuyền, do đó chỉ có thể được cứu thoát cùng với nhau. Chiến tranh đang diễn ra trên thế giới khi người ta loại trừ nhau. Không ai lớn lên một mình, không nước nào phát triển một mình được. Phải cùng với nhau xây dựng thế giới, xây dựng hoà bình.
Chính Thiên Chúa cũng không làm một mình, nhưng mời gọi con người cộng tác. Và khi con người gặp sự khốn khó, Thiên Chúa không một mình ra tay, nhưng mời gọi con người ngồi lại với nhau, nắm tay nhau và cùng nhau thoát ra khòi gian nguy ấy, với sự trợ giúp của ơn Chúa.
Một mình sống tốt lành, không đủ! Trong việc xây dựng thế giới hoà bình, xây dựng gia đình, cộng đoàn bình an, đòi hỏi mọi người phải cộng tác với nhau càng được thấy rõ hơn nữa. Một mình sống tốt thì không đủ, nhưng trách nhiệm của mỗi người đòi họ phải cộng tác với người khác nữa! Những người chăn chiên cùng nhau đi tìm Hài Nhi. Họ kể cho Đức Maria và ông Giuse nghe. Họ cùng ca tụng và cùng suy nghĩ về điều gì Thiên Chúa muốn thực hiện. Chỉ với cộng đoàn và cùng nhau cộng tác, người ta mới tìm ra thánh ý Chúa và cùng thực hiện.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn