Tìm thấy bình an nơi Chúa
Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
Chúa Nhật Tuần XIV - Mùa Thường Niên C, 06/07/2025
Để khích lệ những người Do Thái từ đất lưu đày Babilon trở về, và khích lệ họ trong việc tái thiết đất nước, xây dựng lại Đền Thờ, vị tiên tri được gọi là “Isaia III (thứ ba)” đã mô tả tương lai Giêrusalem với đầy vinh quang rực rỡ, trở thành trung tâm quy tụ. Đầu óc mở ra với các dân tộc khác là điều mà họ có được trong thời lưu đày, nay được diễn tả là muôn dân sẽ quy tụ về nước Do Thái mà dân này sẽ là tâm điểm. Trong số những mô tả ấy, bản văn của Isaia III hôm nay nhấn nhiều hơn đến tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa như người mẹ chăm lo cho con cái. Dân Chúa sẽ như đồng cỏ tươi tốt do từ tình yêu thần linh ấy.
Hạnh phúc và bình an của Thiên Chúa không đến từ những quyền lực trên người khác, không phải từ sự giàu có chóng qua, nhưng đến từ chính Thiên Chúa. Biết gắn chặt vào Thiên Chúa và sẵn sàng bước theo con đường cứu độ của Ngài, chính là cách để có bình an thực sự, bình an đến từ Thiên Chúa. Thánh Phaolô ý thức điều đó nên cho thấy hạnh phúc và bình an thực sự không đến từ việc tuân giữ Lề Luật, do giữ luật cắt bì, nhưng đến từ thái độ đón nhận con đường thập giá của Chúa Kitô, đến từ thập giá của tình yêu thần linh.
Khi muốn sở hữu của cải hay quyền lực, coi đó như là bảo đảm cho cuộc đời, thì oái oăm thay người ta lại cảm thấy bất an vì những đe doạ mất của, mất quyền, bị tố giác, bị chống đối vì những quyền lực đối lập trong cuộc tranh giành! Nhưng khi người tin vào Chúa Kitô đón nhận hay chọn lựa con đường thập giá, coi đó là cách để bước theo Chúa Kitô để diễn tả tình yêu dành cho tha nhân và Thiên Chúa, vì không còn tìm kiếm chính mình nữa, thì họ trở thành người bình an và trao ban bình an cho người khác.
Trước tình trạng chiến tranh trên thế giới và đang có nhiều nguy cơ xung đột khác nữa, Đức Giáo Hoàng tân cử đã kêu mời: đã đến lúc thế giới cần học biết tôn trọng nhau và chung sống với nhau trong hoà bình. Con người hôm nay thật giàu có và đầy quyền lực trong mọi lãnh vực, nhưng người ta lại tranh giành nhau, nên sinh ra xung đột. Khi biết vượt qua bản thân để sống cho người khác, biết tìm cách sống cùng người khác, người ta sẽ có bình an và trao cho nhau bình an. Đó chính là lối đi của thập giá. Người tông đồ của Chúa Kitô là người luôn có thể nói “Bình an cho anh chị em” bằng chính cuộc sống của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn