Sau câu chuyện người giàu có bỏ đi khi được Chúa Giêsu mời bán của cải, cho người nghèo và đi theo Ngài, và sau khi Chúa Giêsu nói người giàu có khó vào Nước Trời, ông Phêrô lên tiếng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10,28). Điều mà ông nhắm đến trước tiên là sự từ bỏ của các môn đệ về của cải, công ăn việc làm, để đi theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu còn được mở rộng cho một điều khác không ít quan trọng, đó là gia đình:
“Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,29-30)
Bỏ gia đình đi theo Ngài thì sẽ được “ngay bây giờ, ở đời này” một gia đình khác, với giá trị “gấp trăm”. Gia đình hay của cải, tất cả đều được gấp trăm “ngay bây giờ”!
Một lối giải thích nào đó về đời tu hành làm mất đi tính chất gia đình, là môi sinh của con người, là nơi con người xuất phát và trưởng thành! Về mặt tự nhiên, một người được sinh ra và lớn lên trong gia đình. Rồi họ sẽ rời bỏ gia đình ấy, nhưng là để kiến tạo một gia đình mới. Luôn luôn trong môi sinh gia đình mà họ lớn lên, họ trưởng thành. Vậy thì đời tu hành cũng thế, họ cũng lìa xa gia đình ruột thịt để đi xây dựng một gia đình mới, mà là một gia đình lớn hơn rất nhiều.
Cộng đoàn đời tu không phải là chỗ để người tu hành tìm kiếm vị thế hay quyền lực ở đời, không để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân, nhưng là được đưa vào một gia đình mới, để từ gia đình đời tu đó, họ kiến tạo một gia đình lớn hơn nữa là gia đình Giáo Hội, là gia đình nhân loại. Họ cũng được gấp trăm về nhà cửa, của cải nữa, bởi vì đó là tài sản của gia đình lớn lao ấy.
Không biết kiến tạo một bầu khí gia đình cho đời tu khiến cho người tu hành không “yên bề gia thất”, đi tìm “nơi trú ẩn” ở gia đình ruột thịt hay ở đâu đó mỗi khi gặp bất hoà trong đời tu! Trách nhiệm về gia đình mới của mình cũng đòi các thành viên xây dựng gia đình này bằng những hy sinh cho nhau, biết đón nhận nhau, nhịn nhục nhau nữa, chứ không buồn giận “bỏ về nhà mẹ đẻ”! Gia đình nào chẳng thế, chẳng đòi hy sinh, nhịn nhục nhau. Như thế mới là trưởng thành. Lìa xa gia đình ruột thịt như một người trưởng thành để đi xây dựng một gia đình mới mà, nên họ phải trưởng thành chứ, phải mang lấy trách nhiệm về gia đình mới chứ!
Chúa trao cho chúng ta một gia đình lớn. Không ý thức điều đó thì cộng đoàn đời tu trở thành địa ngục hoặc là “nhà trọ”. Gia đình của tôi đấy, hãy sống cho nó, hy sinh cho nó, xây dựng nó!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn