Tôi đã cùng đi với một Chúa Giêsu bị bạo hành.
Ơn Chúa an bài cho con được tham dự một tuần Cấm phòng Tĩnh tâm chuyên sâu tại Cộng đoàn Bác ái Cao Thái (Foyer de Charité de Cao Thái), với chủ đề: "Chữa lành những thương tổn và nối kết tương quan thân hữu". Là một bệnh nhân trầm cảm, một nạn nhân của bạo hành và là ứng sinh của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, thì dịp này là một cơ hội cực kỳ quý giá mà Thiên Chúa đã quan phòng cho con.
Sau cuộc tĩnh tâm này, thú thật con chưa thật sự đã trở nên một con người lành mạnh đầy đủ nhưng đã được chữa lành rất nhiều. Nên trong những ngày quay trở về với cuộc sống thường ngày, con muốn kể lại cho mọi người về câu chuyện một Chúa Giêsu bị bạo hành. Đây không phải là một câu chuyện kịch tính, gây hoảng sợ nhưng để cho những tâm hồn đang đi tìm một nơi chốn để chạm và được chạm, chữa lành và đứng dậy đi tiếp hành trình cuộc đời của mình. Một hành trình đầy hạnh phúc và có Chúa Giêsu là bạn đường.
Vị giảng phòng đã yêu cầu chúng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần câu chuyện Tin Mừng Luca chương 22. Tôi nghĩ Luca là một thầy thuốc, nên ngòi bút của ông cũng có một chất thể gì đó giúp giữa lành, nhất là cuộc thương khó mà thánh nhân đã viết trong chương này. Nếu mọi người có thời gian, thật là tuyệt vời khi mở sách Kinh Thánh và đọc Tin Mừng Luca, chương 22.
Sau đây là một vài câu trích dẫn để chúng ta cùng khám phá khuôn mặt của một Đấng chịu bạo hành:
"Gần đến Lễ Vượt Qua, các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu, vì họ sợ dân." (Lc 22,1-2)
"Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện mà là ý Cha. Lòng xao xuyến bồi hồi và mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất." (Lc 22,41-42)
Chúa Giêsu bảo Giuđa: "Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp con người sao?" (Lc 22,48)
Chúa Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: "Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến?" (Lc 22,52)
Những kẻ canh giữ Đức Giêsu nhờ bán đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: "nói tiên tri xem: ai đánh ông đó?", chúng còn rút ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người. (Lc 22,63-65)
Phêrô còn đang nói, thì gà gáy; 61 Và Chúa quay lại nhìn Phêrô: và Phêrô nhớ lại lời Chúa, khi Ngài bảo ông: "Hôm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối Ta ba lần". 62 Và ra ngoài, ông khóc lóc thảm thiết. (Lc 22:61-62)
Khi ngày đến, hội đồng các niên trưởng nhóm họp cùng các thượng tế và ký lục, và họ điệu Ngài vào công nghị của họ và nói: "Nếu ông là Ðức KItô, ông hãy nói cho chúng tôi biết". Ngài nói với họ: "Tôi có nói, các ông sẽ không tin; tôi có hỏi, các ông sẽ không trả lời hay giải đáp cho tôi. (Lc 22,66-68)
Mọi người đều nói: "Vậy ra ông là Con của Thiên Chúa!" Ngài nói cùng họ: Các ông nói đó: chính là tôi". Họ rằng: "Nào ta còn cần gì đến việc làm chứng nữa? Vì chính ta đã nghe tự miệng hắn rồi!" (Lc 22,70-71)
Khởi đầu cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã có những vết thương, do ai gây ra cho Ngài?
Vết thương của dân chúng, những con người một thời đi theo để có bánh và cá, Lời Hằng Sống và một con đường về cùng Thiên Chúa là Cha đã quay lưng và hô hào lên án Đức Giêsu.
Các kỳ mục, thượng tế và kinh sư là những người lẽ ra là đấng bậc công chính trong xã hội, nhưng các ông tự cho quyền công lý thuộc về tay mình.
Người học trò thân tín và là lớp trưởng, đã chối Thầy ba lần và Chúa Giêsu nhìn thấy giọt nước mắt của Phêrô. Thầy thương trò còn quá yếu đuối, mỏng giòn và sợ hãi.
Những trận đòn ròi, bị bịt mắt và sỉ vả không chỉ rướm máu thân xác mà cả tâm trí cũng bị bạo hành, cơn đau của máu chảy, cơn đau của thần kinh, cơn đau của tâm hồn, dẫn tới một trạng thái chới với, hoảng loạn, ngây ngất, tơi tả.
Là một Đấng rao giảng lại bị bắt như một tên cướp, Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường, sao lại phải dùng gậy gộc. Còn gì là nhân phẩm của một con người?
Khi yêu người ta trao nhau nụ hôn, nhưng con người xưa nay vẫn hay dùng những biểu tượng của tình yêu để thể hiện sự phản bội. Một con tim tan nát, day dứt, đau đớn vì đã trót yêu thương. Vết thương đau nơi trái tim càng nhạy cảm hơn khi đối diện với một sự phản bội. Phản bội còn nặng nề hơn một cây kéo cắt đứt tình thân hữu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói: "Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ, Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương, nếu bạn không thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương." Chúa Giêsu thấu hiểu hành trình thương khó, càng hiểu vì sao phải đón nhận chén đắng này, "chết vì yêu". Yêu thương bằng sự thấu hiểu, da diết lắm mà cũng đau đớt, quằn quại lắm. Chẳng dễ gì đón nhận một cuộc thương đâu vì lẽ yêu, nếu không đủ mãnh lực của tình yêu, chắc có lẽ Ngài đã thoái lui. Tình yêu cho đi sự chết khiến Chúa Giêsu run sợ, đến nỗi vỡ những mạch máu dưới da theo tuyến mồ hôi mà tuôn ra. Một trạng thái lo âu và trầm cảm não nề…
Làm điều tốt cho người khác là điều đáng được khích lệ, nhưng luôn có mặt trái là những lời đáp trả khinh khi, dè bỉu, lên án, chà đạp và còn bao nhiêu hành động gây tổn thương. Đón nhận thì dễ nhưng đền đáp là chuyện xa xỉ và ganh ghét là điều vốn dĩ rất dễ xảy ra. Khởi đầu cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Luca đã nói đến âm mưu thủ tiêu của các kinh sư và luật sĩ, với lý do họ sợ dân chúng sẽ đi theo Đức Giêsu mà chống lại họ.
Một Giêsu bị bạo hành về thể xác, cảm xúc, tinh thần, xã hội, các mối tương quan,... Tất cả diễn ra trong vụ án này không kéo dài quá 24 tiếng đồng hồ nhưng vẫn còn tiếp diễn mãi nơi những ai mà chúng ta thấy tha nhân đang có những vết thương và chính mình cũng đang có những vết thương.
"Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu" (Ga 19,37). Nhìn lên thánh giá, hãy cầu nguyện cho những ai sợ nhìn thánh giá, vì họ chưa sẵn sàng đối diện và gặp gỡ nỗi đau của mình. Bước đầu tiên để được chữa lành, là xin ơn can đảm bước những bước chân đầu tiên vào cuộc thương khó của đời mình. Nơi đó những gai góc đang bị dồn nén với một áp suất rất lớn. Bình tĩnh và chậm chạm mở ra từng lớp vỏ bọc, để chào đón, gặp gỡ, xoa dịu và chữa lành.
Nếu chúng ta đọc lại bảy di ngôn của Chúa Giêsu trên thánh giá, ta thấy Ngài đã hàn gắn lại các mối tương quan đã bị bẻ gãy, bằng sự tha thứ, những lời trìu mến và Ngài gặp lại chính mình trong lời nói: "Ta khát" (Ga 19,28). Tại cao điểm của con đường thương khó, nghĩa là trên thập giá, khi Chúa đã mất quá nhiều nước bởi cuộc tra tấn dã man của quân lính, bởi chặng đường dài với thập giá Ngài phải vác trên vai, và cũng trong thời gian nóng bức của buổi trưa, cũng như lúc Chúa chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã thốt lên hai từ “Ta khát”. Sau đó, theo như lệ thường thời đó, người ta đã cho Chúa nếm một thứ rượu có vị chua, mà người nghèo trong xã hội lúc đó rất hay dùng, để Chúa đỡ khát. Thứ rượu chua đó người ta cũng có thể gọi là giấm. (RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth II, t.241.) Sau tất cả, Chúa Giêsu nhìn tới cơn khát của chính mình, bỏ qua những ý nghĩa thần học, một khía cạnh con người, đói có thể nhịn lâu hơn khát. Và cơn khát này cho thầy Ngài là con người và chúng ta cũng có những cơn khát như Ngài: Cơn khát thể lý và cơn khát tình yêu.
Người trầm cảm thường xuyên bị mất năng lượng, bị khô miệng và thường uống rất nhiều nước. Xã hội hôm nay dễ dàng quan tâm một ai đó bị bệnh ở bất cứ bộ phận nào của cơ thể trừ hệ thần kinh. Những căng thẳng, đau đớn nhức mỏi, những cơn khủng hoảng và nhạy cảm, chỉ những ai từng đi qua sẽ hiểu được trạng thái đó. Tạ ơn Chúa vì chứng rối loạn lo âu trầm cảm của con đã giúp con trở nên tông đồ cho những tâm hồn đau khổ và xã hội này đang bỏ rơi họ.
Con muốn là ai trong số những người cùng đi với Chúa Giêsu trên đường tới đồi Canvê?
Là Philatô, người đã rửa tay mình vì không có dũng khí đi ngược dòng để cứu Chúa Giêsu?
Là những người đã rửa tay mình, giả vờ vô tội và quay mặt đi làm ngơ?
Là Simon Kyrênê, người đã giúp Chúa vác cây thánh giá nặng nề?
Là Mẹ Maria và những người phụ nữ, những người với tình yêu sâu đậm đã không hề sợ hãi đi theo Chúa đến nơi tận cùng?
Lạy Chúa Giêsu, con muốn vác thánh giá với Chúa. Amen