Khi nói về Lề Luật, Đức Giêsu nói hai điều làm cho người nghe chưa tìm được sự ăn khớp với nhau: một là: Tôi không phá huỷ Lề Luật, dù là một chấm một phẩy và ai loại bỏ điều nhỏ nhất thì cũng là người hèn kém nhất trong Nước Trời; hai là: Tôi đến để kiện toàn. Vậy thì kiện toàn là gì nếu không bỏ đi bất cứ điều nào? Nếu kiện toàn là đi vào chiều sâu của luật lệ, thì những chi tiết nhỏ nhặt phải chăng cần được vượt qua?!
Điều nhỏ nhất mà Đức Giêsu bảo Ngài không loại bỏ không cùng nghĩa với những chi tiết tỉ mỉ, những hình thức bên ngoài của Lề Luật mà những người Pharisêô và luật sĩ bám chặt lấy! Như vậy, sự kiện toàn mà Đức Giêsu mang lại có nghĩa là nội tâm hoá. Chiều sâu phải đi liền với những biểu hiện bên ngoài. “Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.” (Mt 23,23).
Ý nghĩa thứ hai của sự kiện toàn là toàn diện hoá. Điều lớn điều nhỏ đều cần thiết cả! Tại sao? Tín hữu dễ có khuynh hướng tuân giữ lời Chúa dạy cách có chọn lựa. Khi muốn bỏ điều nào thì người ta lý luận là không rơi vào chi tiết, chỉ giữ ý nghĩa của Lề Luật thôi! Khi muốn bỏ hành động bên ngoài nào thì người ta lý luận là sống theo tinh thần thôi! Nhiều khi đó là nguỵ biện! Tính chất toàn diện đi liền với thực tại nhân sinh bao gồm tinh thần và thân xác.
Khi chọn lựa tuân giữ điều mình thích mà thôi, điều không làm “thiệt hại” cho mình nhiều, người ta đang làm cho con người mình, cuộc sống mình bị phân mảnh, “bị loang lỗ”. Không giết người nhưng những lời chì chiết cũng làm người khác chết từ từ và đau đớn không kém, làm cho người khác “sống dở chết dở”!
Khi sống trọn vẹn lời Chúa, tín hữu tìm được sự thống nhất nơi bản thân. Khi sống cả điều bên ngoài lẫn điều bên trong, tín hữu cũng thống nhất cuộc sống con người của mình, cũng như tìm được sự ăn nhịp với những người chung quanh. Đó chính là sự kiện toàn Lề Luật mà Đức Giêsu mang lại.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn