Người ta thường nghĩ rằng được cứu độ là một sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và chấm dứt ở đó. Nhưng không phải thế, được cứu độ là một hành trình dài.
Với bà Anna, điều bà coi là được cứu độ là khi Thiên Chúa cho bà có được đứa con trai. Bà ra khỏi cảnh ô nhục của người phụ nữ không con, cảnh bị người vợ kế của chồng khinh miệt. Khi được đứa con là Samuel, bà không dừng lại ở sự huênh hoang để đối đầu với người đã khinh miệt mình, không dừng lại ở niềm an ủi vì có đứa con yêu dấu, nhưng bà chọn thái độ mạnh dạn hơn khi, với lòng nhớ ơn Thiên Chúa tột cùng, bà dâng đứa trẻ cho Đền Thờ để nó phục vụ Thiên Chúa suốt đời. “Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa” (1Sm 1,28). Như vậy, điều gọi là “được cứu độ” nơi bà đã được kéo dài bằng chính sự hy sinh của bà suốt cuộc đời sau đó khi để cho đứa con mình yêu quý phải xa mình để phụng sự Thiên Chúa.
Điều tương tự cũng xảy ra nơi Đức Maria. Mẹ đã được cứu độ khi được cho thoát khỏi tội nguyên tổ từ trong lòng mẹ, nhưng điều đó đâu đã xong. Người “đầy ơn phúc” ấy đã dành cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa, cho công trình cứu độ của Ngài. Lúc ấy, ơn cứu độ mà Đức Maria được hưởng đã không dừng lại ở bản thân Ngài, nhưng được lan rộng ra cho nhân loại. Khi được Thiên Chúa chọn, có thể nói đó cũng là ơn cứu độ, thì Đức Maria đã nhìn ra cả một chuỗi những điều Thiên Chúa đã làm cho người này người kia, cho cả dòng dõi từ đời này sang đời khác. Đức Maria nối ơn cứu độ của mình vào với ơn cứu độ của người khác, với Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ.
Được cứu độ không dừng lại ở một sự kiện và chỉ ở nơi bản thân, nhưng người được cứu độ đích thực thì bước vào con đường cứu độ. Con đường đó lan ra toàn bộ cuộc sống người ấy và toả rộng ra với mọi người, và con đường ấy kéo dài suốt cuộc đời. Người cảm nhận sâu sắc mình được cứu độ là một món quà cho những người chung quanh. Còn tôi thì thế nào?
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn