Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Fratelli Tutti, 2. Nền văn hóa này hợp nhất thế giới nhưng chia rẽ loài người và các quốc gia, bởi lẽ “khi càng toàn cầu hóa, xã hội làm chúng ta gần nhau nhưng không làm chúng ta thành anh em với nhau”[1]
Chia rẽ người với người, quốc gia với quốc gia[2]. Chủ nghĩa cá nhân (individualism) ngày càng phổ biến trong cách sống của con người khiến người ta bị đóng khung nơi bản thân.[3] Khuynh hướng chủ quan (subjectivism) làm cho người ta dừng lại ở những kinh nghiệm chủ quan, nhìn người khác theo cái nhìn của bản thân. Khả năng giao tiếp với người khác chỉ dừng lại ở những gì lợi ích cho bản thân, phải chăng là một dạng thức của bệnh tự kỷ (autism)?! Chủ nghĩa quốc gia quá khích (nationalism) ngày càng lớn mạnh sinh ra những đối kháng gay gắt giữa các quốc gia do từ sự tự phụ về giống nòi, về dân tộc, phải chăng đó là một dạng thức mới của chủ nghĩa phát xít (fascism)?
Những đối kháng này ngày càng lớn và ẩn chứa nhiều nguy cơ phá hủy cuộc sống con người! Trong tình huống đó, Đức Thánh Cha Phanxicô lấy lại tư tưởng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI như một định hướng cho việc tái thiết cuộc sống con người:
Fratelli Tutti, 12. ...xã hội làm chúng ta gần nhau (người hàng xóm/ neighbours) nhưng không làm chúng ta thành anh em (brothers) với nhau.
Dạng thức sòng phẳng, trao đổi, cùng có lợi... không đủ để xây dựng thế giới, không đủ để tái tạo thế giới này. Phải chọn lựa một dạng thức đậm nét Tin Mừng hơn, đó là tình huynh đệ để thực hiện điều này.
Fratelli Tutti, 1. “Fratelli tutti” (Tất cả là anh em)[4]. Với những lời này, Thánh Phanxicô Assisi đã ngỏ lời với anh chị em của ngài và đề nghị với họ một lối sống mang đậm hương vị Tin Mừng.
Đnl 26,16 Hôm nay, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), truyền cho anh (em) đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh (em) phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy. 17 Hôm nay, anh (em) đã làm cho Đức Chúa tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh (em), rằng anh (em) phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người. 18 Hôm nay, Đức Chúa đã khiến anh (em) tuyên bố rằng anh (em) sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người như Người đã phán với anh (em), và rằng anh (em) sẽ giữ mọi mệnh lệnh của Người, 19 rằng Người sẽ cho anh (em) vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh (em) sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), như Người đã phán.
Mt 5,43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
Ep 3,4 Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô thế nào. 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là : trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
Con đường mà Thiên Chúa dẫn đưa cho đến ơn cứu độ sau cùng là từ việc chọn lựa dân Do Thái như một dân tộc trung gian (tư tế) đi đến toàn thể nhân loại như là gia đình Thiên Chúa. Đây chính là mạc khải sau cùng mà Chúa Giêsu Kitô mang lại cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã trở thành con loài người để làm cho con người trở thành con cái Thiên Chúa. Ơn cứu độ được Chúa Kitô thực hiện chính là làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Hạnh phúc cuối cùng mà Thiên Chúa đưa chúng ta về cũng là đi về đoàn tụ trong gia đình Thiên Chúa.
[1] “as society becomes ever more globalized, it makes us neighbours, but does not make us brothers” (Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29/06/2009), 19: AAS 101 (2009), 655).
[2] “divides persons and nations” (Fratelli Tutti, số 12).
[3] Fratelli Tutti,105. Chủ nghĩa cá nhân không làm chúng ta tự do hơn, bình đẳng hơn, huynh đệ hơn. Nguyên tổng số các quyền lợi cá nhân mà thôi không có khả năng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn thể gia đình nhân loại. Nó cũng không thể cứu chúng ta khỏi nhiều tệ nạn đang ngày càng được hoàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân triệt để là một thứ vi rút cực kỳ khó tận diệt, vì nó rất khôn khéo.
[4] Admonitions, 6, 1. Bản tiếng Anh trong Francis of Assisi: Early Documents, vol 1., New York, London, Manila (1999), 131.