LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Cần trả lại vị trí cho Thiên Chúa trong cuộc đời cũng như trong đời sống hàng ngày, trong đời sống cá nhân cũng như cuộc sống của gia đình, xã hội và thế giới.
Không phải Thiên Chúa thèm muốn địa vị trên con người. Thiên Chúa cũng không có “lợi nhuận” của “hương khói”, của “mỡ chiên, mỡ bò” từ con người, nhưng vai trò của Thiên Chúa cần được con người nhìn nhận vì lợi ích của chính con người và cuộc sống của họ.
Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. (Lời Tiền Tụng chung IV, Sách lễ Roma)
Tại sao?
Sự tàn phá tình huynh đệ do con người cư xử với nhau chứ không phải đến từ Thiên Chúa. Do đó, khi con người ý thức về phẩm giá và giới hạn của mình và luôn luôn dựa trên Thiên Chúa, thì con người sẽ tôn trọng nhau. Khi tôn trọng Thiên Chúa, con người cũng biết tôn trọng nhau, vì phẩm giá của mọi người đều đến từ Thiên Chúa. Và đó mới là nền tảng vững bền, không lay chuyển, dù đời người có thế nào chăng nữa.
Cain đã giết em là Abêlê vì ghen tương. Vì thế, Cain sợ mình sẽ bị trả thù, bị người khác giết mình. Nhưng ngay cả khi anh ta là kẻ giết người, thì Thiên Chúa vẫn đứng ra bảo vệ anh. Chính Thiên Chúa hạch tội Cain, nhưng Ngài không cho phép ai giết Cain. Trả thù chỉ sinh ra thù hận không ngừng.
Ngạn ngữ Trung Quốc: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Ý tưởng này thể hiện trong nhiều phim ảnh Trung Quốc và cho đó là hành động của người quân tử! Ý tưởng trả thù dựa trên sự công bằng theo suy nghĩ của con người. Nhưng thực tế cho thấy, nhân loại cứ lẩn quẩn chung quanh suy nghĩ “ăn miếng trả miếng” không bao giờ thoát ra được! Điều này phá hoại cuộc sống con người ở mọi phía.
Cách suy nghĩ chính trị thì nói: “Muốn hoà bình thì phải chuẩn bị chiến tranh”. Tư thế phòng thủ quốc phòng có thể có lý của nó, nhưng một thứ chạy đua chiến tranh, gây chiến trước mà biện minh như là tự vệ, thì không thể chấp nhận được!
“Phân biệt bạn thù”. Lý luận đó chỉ làm cho hận thù lan rộng trong cuộc đời mà thôi. Không có vinh quang vì đổ máu quân thù. Trong chiến tranh không có vinh quang!
Cần trở lại với lý luận của Thiên Chúa, của Tin Mừng. Cần dựa trên các giá trị của Thiên Chúa để xây dựng cuộc sống nhân loại.
Chúa Giêsu làm cho người ta tìm lại giá trị nhân văn trong đời sống con người, trong đời sống tôn giáo nữa.
Một trong những xung đột lớn giữa Chúa Giêsu và những người lãnh đạo Do Thái là về việc giữ ngày Sabát. Với dòng thời gian, cách giữ luật ngày nghỉ này đánh mất đi giá trị nhân văn nguyên thuỷ và trở thành khắc nghiệt với nỗi đau của con người. Chúa Giêsu tuyên bố: Ngài có quyền trên ngày Sabát và ngày này được lập ra vì loài người.
Lc 6,2 Nhưng có mấy người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sabát (bứt bông lúa)?”... 5 Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày Sabát.” 9 Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. 11Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.
Lc 14,1 Một ngày Sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 2Và kìa trước mặt Đức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. 3Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabát hay không?” 4Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabát?” 6 Và họ không thể đáp lại những lời đó
Con người là thụ tạo yêu quý của Thiên Chúa chứ không phải một thứ luật lệ nào đó, một thứ tổ chức nào đó, ngay cả luật lệ và tổ chức tôn giáo. Niềm tin, Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang đến cũng là để cứu độ con người chứ không phải để hình thành một thứ cơ cấu nào đó chà đạp trên con người.
Cách thực hiện ơn cứu độ, con đường cứu độ mà Chúa Giêsu Kitô thực hiện là đưa con người trở về với tình phụ tử của Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người với nhau. Ngôi Lời làm con người để trở thành người anh em của con người, để rồi từ tình huynh đệ với Chúa Giêsu Kitô ấy, con người được đưa trở về với tình phụ tử của Thiên Chúa.
Cl 1,15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, 16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. 17 Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. 18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. 19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, 20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Thiên Chúa đi bước trước để làm hoà với con người. Và sự công bằng của Thiên Chúa không phải là “ăn miếng trả miếng” mà là thái độ khiêm hạ trước con người là thụ tạo của Ngài!
Mt 5,38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Lời dạy ấy của Chúa Giêsu được chúng ta coi là không thể thực hiện được, là không tưởng, chỉ là lời nói để chiêm ngưỡng thôi chứ không thực hiện được. Nhưng chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó khi đảm nhận kiếp người, khi chấp nhận đi con đường thập giá.
Pl 2,6 Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”.
Con người tự tôn vinh mình, muốn giành lấy vị trí của Thiên Chúa, nên họ đã rớt xuống chỗ hèn hạ nhất. Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, một thứ “tội nguyên tổ” vẫn cứ diễn ra. Còn Chúa Giêsu, Ngài đến chỉ cho con người một con đường khác để đi về với lại với vinh quang Thiên Chúa ban tặng, là hạ mình xuống trước Thiên Chúa và trước anh chị em. Và chính Chúa Giêsu đã đi con đường ấy.
Tin Mừng Luca cho thấy điều đầu tiên Chúa Giêsu làm khi bị đóng đinh trên thập giá, là nói lời tha thứ:
Lc 23,33 Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. 34Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
Và điều cuối cùng mà Chúa Giêsu làm trên thập giá được Tin Mừng Gioan kể lại là: trao ban Thánh Thần cho nhân loại.
Ga 19,28 Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Nếu trên thập giá, Chúa Giêsu không nói lời tha thứ, thì Ngài cũng không trao ban Thánh Thần cho nhân loại được. Nếu trên thập giá mà Chúa Giêsu không nói lời tha thứ, thì khi Ngài sống lại, với quyền năng Ngài ban cho, các tông đồ sẽ là những người lãnh sứ mạng “phục thù” cho Chúa Giêsu! Và những người lãnh đạo Do Thái lo sợ về điều đó. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giáo Hội thời ban đầu là một Giáo Hội đượm màu tha thứ. Sự tha thứ đã làm nên một Phêrô, một Stephanô, một Phaolô...
Con đường của Chúa Giêsu Kitô đã đi là con đường phục hồi tình huynh đệ. Sứ mạng của các tông đồ và của Giáo Hội là hoà giải.
Rm 5,10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. 11 Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa.
2Cr 5,18 Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải.