Bài 2: Các giá trị đang thay đổi - Tĩnh tâm Cuối tuần 10.02.2023 - 12.02.2023

Bài 2: Các giá trị đang thay đổi - Tĩnh tâm Cuối tuần 10.02.2023 - 12.02.2023

Bài 2: Các giá trị đang thay đổi - Tĩnh tâm Cuối tuần 10.02.2023 - 12.02.2023

Đề tài TĨNH TÂM CUỐI TUẦN từ 10.02.2023 - 12.02.2023

Cơn khủng hoảng về tương giao của con người trong thế giới và trong Giáo Hội

Tình huynh đệ giải thoát chúng ta

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Các giá trị đang thay đổi

  • Cuộc thay đổi như vũ bão của thời đại hôm nay đang làm đảo ngược nhiều thứ. Trước nhất là đảo ngược niềm tin. Ngày xưa, ai cũng tin vào những chân lý vững chắc và mọi người lấy đó làm chuẩn mực để suy tư khởi đi từ đó và chung quanh đó. Ngày nay, những khám phá mới và liên tục khiến cho người ta có cảm giác là không có gì bền vững cả, không có gì tuyệt đối đúng; mỗi hoàn cảnh, mỗi người đều có thể nhìn cách khác nhau. Đó là lý do sinh ra Thuyết Tương Đối (Relativism). Người này tin như thế nào, người khác tin thế khác. Người này coi điều này có giá trị, còn người kia thấy giá trị ở điều khác.

Quan niệm sống theo khuynh hướng Tương Đối đưa đến ít là hai hệ quả sau:

  • Mất tính chất bền vững: không có gì vững bền cả. Hôm nay thế này, ngày mai có thể khác. Và chuyện thay đổi ấy rất mau trong thời hiện đại. Suy nghĩ này khiến cho người ta đánh mất niềm tin vào những chân lý khách quan và vững bền; coi việc loại trừ những chuẩn mực là sống tính chất hiện đại, hợp thời; xem thường những giá trị mang tính kinh điển và coi chúng là cổ hũ!

(Chú ý: “thuyết” tương đối khác với ý thức về sự thay đổi, tiệm tiến, tiến bộ. Điều sau này vẫn tôn trọng những giá trị vững bền).

  • Mang nặng tính chủ quan: Bởi vì mỗi người có cách đánh giá riêng và được quyền sống theo suy nghĩ của mình. Điều này cũng khiến người ta biết tôn trọng những khác biệt của nhau, nhưng cũng làm người ta “ngồi xổm” trên dư luận, sinh ra những cách sống không giống ai và cho đó là hay!
  • Lối suy nghĩ coi mọi sự là tương đối khiến người ta xem thường những giá trị nhân văn, vd. tình nghĩa-sự chung thuỷ của vợ chồng, công cha nghĩa mẹ, tôn sư trọng đạo, lòng kính trọng người có tuổi, mạng sống của thai nhi và người già cả, bệnh nhân... Sự trung tín không còn được đề cao, chỉ sống sao cho có lợi cho riêng mình, sống cho hiện tại mà không nghĩ đến ảnh hưởng trên thế hệ tương lai... Chính điều này làm cho tương giao nhân loại bị khủng hoảng.
  • Giá trị của con người dựa trên những gì họ sở hữu (cái có) chứ không phải nhân cách, cái họ là. Điều người ta muốn thể hiện trong cuộc đời không còn là lòng yêu nước mà chỉ còn là tìm kiếm lợi ích nhóm hay cá nhân; không còn là một đời sống thanh cao, có hiểu biết, trọng nghĩa tình... mà là một cuộc sống giàu có, quyền lực. Người ta cảm thấy tự hào có quyền lực trên người khác, làm cho người khác khiếp sợ chứ không phải là sự giản dị, thân thiện, phục vụ...

Cơn khủng hoảng về tình người, tình huynh đệ cũng tìm thấy nguyên do từ thái độ coi giá trị ở “cái có” hơn ở “cái là” này!

Tình nghĩa gia đình bị xoay chuyển: ai có tiền thì người ấy có tiếng nói trong gia đình, tình huynh đệ tương tàn khi đụng đến việc phân chia gia tài, người không làm ra tiền bị xem thường, cha mẹ già cả, bệnh tật bị coi là gánh nặng!

Tương quan xã hội cũng dựa trên giá trị của “cái có”. Người ta đến với nhau để tìm cơ hội thăng tiến và sẽ tránh xa nhau khi người khác không còn có lợi cho mình nữa!

 

Thói Đời...

Thế gian biến đổi vũng nên đồi,
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi.
Xưa nay đều trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.  
(Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Giá trị của quyền lực cũng lên ngôi trên mọi bình diện của đời sống hàng ngày cũng như trong sự vận hành của xã hội và thế giới.

Chủ nghĩa dân tộc quá khích (Nationalism) ngày càng thể hiện rõ nét trong thế giới hôm nay. Chủ nghĩa ấy đã thể hiện qua chủ nghĩa Phát xít (Fascism) của Hitler coi dân tộc mình là ưu việt trên các dân tộc khác, coi dân Do Thái là kẻ thù nguy hiểm, vì thế mà sinh ra các cuộc diệt chủng, nổi bật là trại tập trung Auschwits của Đức quốc xã đặt tại nước Ba Lan.

Khuynh hướng quốc gia quá khích này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn thấy nơi chủ trương của các nước Châu Âu chống lại người nhập cư, dưới danh nghĩa  “bảo vệ nền văn hoá Châu Âu”. Nhưng Đức Thánh Cha cho thấy chính các dân tộc ở Châu Âu xuất phát từ các dân tộc nhập cư gọi là các dân man di (barbarian), khi họ chiến thắng đế quốc Roma vào thế kỷ V.

Các cuộc chiến tranh trên thế giới ngày nay cũng mang màu sắc tự phụ về dân tộc của mình trên các dân tộc khác và muốn thống trị trên họ!!!

  • Quyền lực và cái tôi cũng được thể hiện qua việc thiếu tôn trọng sự sống và phẩm giá của người khác.

Phá thai đang ngày trở nên quen thuộc và là giải pháp được nghĩ tới đầu tiên cho những tình huống khó xử!

Từ tội ác, phá thai được nhìn nhận tại nhiều quốc gia, được xem như một hành vi yêu nước, như thể hiện của văn minh, coi trọng phẩm giá phụ nữ, là quyền của phụ nữ. Đây là điều làm thấy rõ về ý nghĩa của “cây biết điều lành, điều dữ”, có nghĩa là con người có quyền định đoạt đâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Điểm quy chiếu là cái tôi của mình.

Quyền lợi và quyền lực ở đây dựa trên cái lý của “kẻ mạnh”. Thai nhi không được lên tiếng về quyền sống của chúng!

Người già cả và bệnh tật, cha mẹ già yếu một lần nữa lại bị xem như gánh nặng. Ngày trước, chủ nghĩa duy vật đánh giá mọi sự và mọi người dựa trên giá trị sản phẩm đóng góp cho xã hội. Ai không làm ra tiền thì không có giá trị. Ngày nay, cách suy nghĩ này cộng thêm lý do từ lối sống hiện đại. Cuộc sống hiện đại luôn vội vã và vùi đầu vào công việc. Các nhu cầu được “nâng lên tầm cao mới”, vì thế phải có nhiều người đi làm, không còn cảnh một người đi làm nuôi sống cả nhà! Ngày nay, các gia đình ít con, nên sinh ra tình trạng không có người chăm sóc cha mẹ già yếu. Xã hội Việt Nam đang phải nghĩ đến loại hình nhà hưu dưỡng cho cha mẹ, người thân. Nhưng khi mức độ an sinh xã hội còn thấp, các nhà hưu này có thể trở thành nơi mà con cái loại trừ cha mẹ, người thân ra khỏi cuộc sống của mình, như trút đi một gánh nặng!

  • Với một Giáo Hội còn mang nặng dấu vết của quyền lực, của những ước muốn địa vị, của những đặc quyền nơi những người tu trì, nơi những người lãnh đạo, Giáo Hội cũng phải đối diện với con khủng hoảng về tình người.

Những quan niệm mới về sự bình đẳng của con người, về phẩm giá của giáo dân đang đặt lại nhiều vấn đề trong đời sống của Giáo Hội. Lối sống của dân cư tại các thành phố đông dân do sự di chuyển của người dân, làm cho vị thế của các vị lãnh đạo bị đặt lại vấn đề. Người ta đang xa dần các sinh hoạt tôn giáo, và do đó, tầm quan trọng của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội cũng giảm đi. Lối vận hành các thủ tục hành chánh của một số nơi trong Giáo Hội đang trở thành gánh nặng và thiếu tính nhân văn! Lối cư xử như “người trên”, như đòi quyền lợi của các vị lãnh đạo và của người tu hành đang trở thành “chướng mắt”! Ngày nay, với phương tiện truyền thông xã hội, người ta lên tiếng mà không còn sợ hãi! Lối điều hành trong Giáo Hội đang bị đặt thành vấn đề!    

Nhưng các giá trị mới đang gây ra khủng hoảng

Những điều được coi là “những giá trị mới” đang bị đặt thành vấn đề. Những quan niệm mới gây ra cơn khủng hoảng về tương giao giữa người với người đang phải chứng kiến những hậu quả tai hại, lớn lao, gây ra nhiều nguy cơ xụp đổ và phá huỷ cuộc sống con người, đời sống của thế giới và của Giáo Hội nữa!

Khi vị trí của Thiên Chúa bị đặt sang một bên để tự đưa cái tôi của mình lên, người ta tiếp tục gây ra những đổ vỡ của tình người, làm cho tình huynh đệ bị xem thường!

Một thế giới được tự hào là văn mình, nhưng nơi đó:

Thiên nhiên bị phá huỷ trầm trọng và gây ra những cuộc biến đổi khí hậu toàn cầu mà ai ai cũng cảm nhận mình là nạn nhân! “Tình huynh đệ” với vạn vật (theo cách nhìn của thánh Phanxicô Assisi) bị phá huỷ, thiên nhiên đang trở lại “trả thù” con người!

Các thú cưng được “phục hồi phẩm giá” trong khi cuộc sống của con người bị xem nhẹ. Trong các cơ cấu chính trị, người nghèo, người thấp cổ bé miệng trở thành nạn nhân. Quyền lực và tham ô đang làm cho mọi người dân trở thành nạn nhân. Khuynh hướng độc tài đang thể hiện nơi nhiều quốc gia, gây nên những tâm tư bất mãn nơi người dân! Các nhóm quyền lực và lợi ích đấu đá nhau hoặc nương vào nhau để tồn tại, nhưng lại làm người dân khổ sở.

Trong Giáo Hội, nạn giáo sĩ trị đang bị đặt lại vấn đề cách gay gắt! Quyền lực của những người lãnh đạo trong Giáo Hội đã gây ra cuộc khủng hoảng  về uy tín của hàng giáo sĩ trong những năm qua! Sự cộng tác của giáo dân nhiều nơi trở thành một hình thức thăng tiến địa vị và danh dự, gây ra những khó khăn khác cho giáo dân.