Bản văn sách Samuen hôm nay được các nhà chuyên môn coi là phản ánh khuynh hướng chống lại chế độ quân chủ và ủng hộ khuynh hướng thủ lãnh. Các vị thủ lãnh thường chỉ xuất hiện khi đất nước có biến động. Họ không thuộc dòng họ hay giai cấp nào cả, nhưng được Thiên Chúa thúc đẩy và đứng ra để giải thoát đất nước đang gặp nguy biến. Tuy nhiên, có những vị thì gần như làm nhiệm vụ thường xuyên hơn. Ông Samuen được gọi làm tiên tri, nhưng người ta cũng thường đến với ông để hỏi ý Thiên Chúa. Cuối đời của ông Samuen, nước Do Thái chuyển sang chế độ quân chủ với vị vua đầu tiên là Saolê (1043-1010 tCN).
Chế độ quân chủ có tổ chức hơn thời các thủ lãnh, nên đất nước cũng phát triển hơn. Tuy nhiên, đất nước lệ thuộc phần lớn vào các vị vua, nên cũng xảy ra không ít tình trạng bi đát! Thời Đức Giêsu, nước Do Thái bị đế quốc Roma đô hộ, và họ cho nước Do Thái có một vị tiểu vương lệ thuộc quyền bính của đế quốc. Vua Hêrôđê gốc gác không phải là dân Do Thái. Cha là người Êđom, mẹ là người Nabatêa, là hai nước ở miền nam nước Do Thái. Tổ tiên ông cải đạo theo Do Thái giáo. Vì thế, dân Do Thái cũng không mặn mà với dòng dõi vị vua này! Trong khi các vị lãnh đạo tôn giáo thì cũng không gương mẫu gì! Đó là tình trạng mà có lúc Tin Mừng diễn tả tâm tình Đức Giêsu thương dân vì họ như chiên không người chăn (x. Mt 9,36; Mc 6,34)! Đức Giêsu đến nói lời Thiên Chúa, hướng dẫn dân theo con đường Thiên Chúa muốn. Nhưng họ cũng không muốn nghe.
Dù theo chế độ nào, con người vẫn luôn cần lắng nghe và làm theo hướng dẫn của Thiên Chúa. Bằng không, con người sẽ thống trị nhau và tàn sát lẫn nhau. Đây không chỉ là chuyện liên quan đến chính trị, nhưng còn là chuyện của mỗi người trong đời sống hàng ngày và trong đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn nữa. Đừng muốn thống trị nhau, bởi vì tham vọng của con người chỉ đưa đến sự tàn phá chính mình và hủy hoại người khác. Mỗi người và cộng đoàn hãy biết tùng phục Thiên Chúa và đi theo đường lối của Ngài!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn