Vòng xoáy tình yêu thần linh. Tựa đề nghe có vẻ thơ phú, văn chương quá phải không? Nhưng tôi không có ý làm thơ hay làm văn đâu. Tôi muốn diễn tả về những gì chúng ta được nghe trong Tin Mừng Gioan trong những ngày qua.
Diễn từ sau cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trong bữa tiệc ly làm cho người nghe cứ xoay vòng vòng. Những người soạn bài suy niệm cũng cứ thấy lòng vòng, không biết phải viết làm sao! Chính điều này làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về lối văn trôn ốc của tác giả Gioan: trở đi trở lại và lên cao.
Nơi các bản văn mà chúng ta nghe trong những ngày qua, tình yêu cứ được lặp đi lặp lại: tình yêu Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu con người dành cho nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được nghe nhắc lại nhiều lần sự nối kết giữa tình yêu và việc giữ giới luật của Chúa. Mà luật của Chúa cũng lại là yêu thương người khác.
Tôi có thể diễn tả tư tưởng của ông Gioan trong Tin Mừng này như hai vòng xoáy: vòng xoáy đồng tâm đưa các môn đệ đi vào tâm điểm là Thiên Chúa, hay nói ngược lại là từ Thiên Chúa mà đi đến tất cả những điều khác. Đó là vòng xoáy tình yêu thần linh. Chính tình yêu Thiên Chúa, tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đưa đến tình yêu thần linh dành cho nhân loại, đưa đến sự dấn thân của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại cho ơn cứu độ của con người. Và vì tình yêu đó mà con người được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu mến nhau. Giữ luật cũng là sống tình yêu dành cho tha nhân.
Còn vòng xoáy thứ hai là vòng xoáy của Lề Luật. Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan đối diện với thái độ quy chiếu về Lề Luật của người Do Thái. Điều này khiến họ khước từ Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến, bởi vì dường như Ngài không giữ Luật. Họ không hướng về Thiên Chúa mà chỉ tập chú vào Lề Luật, và do đó, họ cũng chà đạp số phận con người.
Như vậy, sống đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu cũng đơn giản là sống tình yêu mến, ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu, và từ đó mà sống tình yêu dành cho tha nhân. Điều này làm cho môn đệ trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu, tức là đi vào vòng thân thuộc với Ngài.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn