Ông Phêrô được Đức Giêsu khen là hạnh phúc vì được Chúa Cha mạc khải cho biết Đức Giêsu chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (x. Mt 16,16). Tuy nhiên, ngay sau đó, khi nghe Đức Giêsu nói về con đường thập giá của Ngài, ông lại như đứng về phía Satan, cản trở Đức Giêsu đi con đường ấy (x. Mt 16,23)! Như vậy, điều mà Thiên Chúa soi sáng cho ông, lời ông tuyên xưng ra bên ngoài, vẫn chưa đi vào được tư tưởng của ông, chưa trở thành chọn lựa cá nhân của ông. Vì thế mà sinh ra hiện tượng “bên chèo, bên chống”, con người không thống nhất, mặt này thì thánh thiện, mặt kia lại như quỷ dữ!
Dân Do Thái ngày xưa cũng thế. Tiên tri Giêrêmia nói lời của Đức Chúa rằng: dân đã tự ý từ bỏ giao ước giữa Ngài với dân. Nhưng Đức Chúa không nản chí, Ngài sẽ thiết lập một giao ước mới mà luật lệ được đặt vào tim lòng của tín hữu (bài đọc 1).
Đạo trở nên hình thức, hời hợt khi người ta không làm cho những thực hành đạo đức tương hợp với đời sống hàng ngày, khi người ta nói mà không làm, khi người ta chọn lựa theo sự khôn ngoan của người đời chứ không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nói chung là đạo không ảnh hưởng đến cuộc sống, không để cho đạo chuyển biến toàn bộ cuộc sống của tín hữu. Chính tình trạng này khiến thánh Đaminh chọn lối sống khó nghèo để rao giảng về Chúa Kitô.
Sách Công Vụ gọi những người theo Đức Giêsu Kitô là những người theo Đạo (the Way, x. Cv 9,2). Chính Chúa Kitô tự xưng mình là Con Đường. Vậy thì theo đạo không phải là tuân giữ một số nghi thức, một số luật lệ, nhưng là bước theo Chúa Kitô, suy nghĩ, chọn lựa và sống giống như Ngài. Đó mới thực sự là theo đạo, mới là chiều sâu của đạo.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn