Tự do với bên ngoài, bộc lộ từ bên trong - Thứ Tư lễ Tro

Tự do với bên ngoài, bộc lộ từ bên trong - Thứ Tư lễ Tro

Tự do với bên ngoài, bộc lộ từ bên trong - Thứ Tư lễ Tro

TỰ DO VỚI BÊN NGOÀI, BỘC LỘ TỪ BÊN TRONG 

Ge 2,12-18; 2Cr 5,20 - 6,2; Mt 6,1-6.16-18 

Thứ Tư lễ Tro, 14/02/2024

Giáo huấn của Đức Giêsu thường xuyên nói về sự giả hình, tức là cái bên ngoài không khởi đi từ bên trong, nhưng chỉ là “che mắt thiên hạ”, vì bên trong không phải như thế, không được như thế. Cái bên ngoài “chơi vơi” vì không có điểm tựa từ bên trong, làm ảnh hưởng đến tương quan giữa người với người và cả tương quan với Thiên Chúa nữa.

Câu nói danh tiếng của tiên tri Giôen được kitô hữu lặp lại thường xuyên: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13). Nhưng đáng tiếc là không ít lần câu nói này vẫn dừng lại ở bên ngoài như là một ngôn từ, bởi vì người ta không nhận biết điều sâu xa mình cần thay đổi là gì! Những việc ăn chay, “bố thí” và ngay cả cầu nguyện, cũng trở thành cái bên ngoài “để thiên hạ thấy”. Việc chia sẻ cho những người túng thiếu hơn trở thành một hành vi “bố thí” để tôn cao sự cao cả của “người ban phát”!

“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.” (2Cr 5,20). Câu này được hiểu theo sát bản văn là: hãy để cho Thiên Chúa làm hoà với anh em nhờ Đức Kitô. Hãy để cho Thiên Chúa đi vào nơi sâu thẳm của lòng mình, để Ngài chỉ cho thấy đâu là điều sâu xa, cốt lõi nhất mà mình cần phải thay đổi. Đó mới là chỗ mà con người cần phải làm hoà với Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, chính Đức Kitô muốn đi vào chỗ sâu xa ấy để làm hoà với tôi, nên tôi hãy để cho Ngài đi vào đó, đụng chạm đến điều đó. Nếu tôi cứ lờ đi, không dám đối diện với điều sâu xa mình cần trở về với Thiên Chúa, cần thay đổi, thì bao nhiêu Mùa Chay cũng thế thôi, chẳng thêm được gì, mà có khi còn làm cho “lô cốt đạo đức” thêm vững chắc để che đậy điều thực sự cần thay đổi nơi tôi!

Hãy để cho Đức Kitô chạm đến nơi sâu thẳm của tôi. Mùa Chay là hành trình khám phá bản thân, dám đối diện với bản thân cách trần trụi nhất và để cho mình trở nên thống nhất: thống nhất với Đấng mà mình là hình ảnh; thống nhất với anh chị em, “răng đừng cắn lưỡi” nữa, vì chúng ta đã được Đức Kitô làm cho trở nên một thân thể.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn