“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35)
Đúng là như vậy! Kitô hữu bị thử thách về đức tin trong những cơn gian truân. Họ “phớt lờ” giáo huấn của Tin Mừng vì sợ thua thiệt, vì muốn chiếm hữu nhiều hơn. Họ không thể thắng nổi đam mê về danh giá, về quyền lực, về ý riêng, nên họ gục ngã trước bản thân mình mà chiều theo cơn nóng nảy, sự ghen tị! Niềm tin vào Chúa Kitô không đủ để sống theo giáo huấn của Chúa, để sống cho Chúa và cho anh chị em! Sự gục ngã ấy thể hiện hàng ngày và trong đời sống thường nhật. Vậy thì, tử đạo cũng là điều có thể thực hiện hàng ngày chứ không chỉ khi đòi phải “máu đổ, đầu rời”!
Sự thánh thiện là lời mời gọi của Chúa dành cho tất cả mọi người khi họ thể hiện đức ái. Tử đạo được thể hiện qua đức ái. Hiến chế Ánh sáng Muôn Dân của Công đồng Vaticanô II viết: “tất cả các tín hữu của Chúa Kitô, bất kể cấp bậc hay địa vị nào, đều được kêu gọi đến sự viên mãn của đời sống kitô hữu và đến sự hoàn hảo của đức ái” (Lumen Gentium, 40).
Lễ kính các thánh tử đạo không chỉ được mời gọi cử hành trong nhà thờ, nhưng cả trong cuộc sống hàng ngày ngoài nhà thờ nữa. Người ta có thể tế lễ trên “bàn thờ cuộc đời” với lễ vật là bản thân mình. Tử đạo không phải là chuyện của những bậc anh hùng xuất chúng, nhưng là câu chuyện của mỗi kitô hữu. Không đổ máu đâu, nhưng là đổ mồ hôi, là nhẫn nhịn nhau, là khiêm tốn hạ mình xuống. Đó là tử đạo liên tục từng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn