Sau khi nhắc lại cho dân những lời dạy của Thiên Chúa, ông Môsê nói rằng nếu họ tuân giữ những lời ấy, thì Thiên Chúa sẽ tự coi mình là Chúa của họ và sẽ nhận họ là dân của Người. Điều này đưa dân Do Thái đi vào vòng tương quan thân thiết với Thiên Chúa, được Người che chở và chăm sóc cách đặc biệt trước những dân xung quanh.“Người sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang” (Đnl 26,19). Mọi dân tộc đều do Người tạo dựng, nhưng dân Do Thái được Chúa coi là “số một”, hơn hẳn mọi dân khác về mọi mặt! Tuy nhiên, đứng trước điều này, người Do Thái lại trở nên khép kín, tự tôn, và loại trừ các dân tộc khác!
Chúa Giêsu đã mở ra một giai đoạn mới, đi xa hơn nhiều. Thiên Chúa được Chúa Giêsu trình bày như Người Cha và con cái của Người là mọi người. Tương quan Chúa và dân được đưa đến tương quan mới là gia đình.
“Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù’.” (Mt 5,43)
Người Do Thái hiểu yêu người đồng loại có nghĩa là yêu những người cùng chủng tộc Do Thái; và ghét kẻ thù là ghét những dân tộc chung quanh, nhất là những dân đã từng là mối tai họa cho dân Do Thái. Bây giờ Chúa Giêsu nói: yêu người yêu mình thì dân ngoại cũng làm thế, và Người dạy yêu thương cả kẻ thù nữa! Điều này có nghĩa là tương quan gia đình khiến cho không còn ý niệm kẻ thù như trước nữa, vì trong gia đình, mọi người đều là anh chị em với nhau. Người kia có sai lỗi gì chăng nữa thì họ vẫn là người thuộc về mình! Và chúng ta được mời gọi hãy yêu thương không đòi điều kiện nơi người khác, nhưng yêu thương như Thiên Chúa là Cha đã cư xử với các con cái của Người.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn