Từ Dân Chúa đến gia đình Thiên Chúa - Thứ Ba Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Từ Dân Chúa đến gia đình Thiên Chúa - Thứ Ba Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Từ Dân Chúa đến gia đình Thiên Chúa - Thứ Ba Tuần XVI - Mùa Thường Niên

Từ Dân Chúa đến gia đình Thiên Chúa

Mk 7,14-15.18-20; Mt 12,46-50

Thứ Ba Tuần XVI - Mùa Thường Niên

23/07/2024

 

Sống như Dân của Thiên Chúa, đó là đỉnh cao của dân Cựu Ước. Thực sự sống cho trọn điều ấy thì đã là tốt lắm rồi, bởi vì những luật căn bản của Cựu Ước đã đi rất xa. ‎Ý nghĩa của nhiều khoản luật mang tính nhân văn rất cao, hơn hẳn những nước chung quanh vào thời ấy và có khi còn cao hơn nhiều nơi thời nay nữa. Ví dụ luật sabát: ngày nghỉ thứ bảy theo luật này giúp cho người lao động có những quyền lợi nghỉ ngơi của một con người. Trâu bò cũng được nghỉ. Ngày nghỉ ấy, họ có dịp để đến với nhau, phát triển đời sống cộng đồng. Cũng ngày ấy, người ta được về bên Thiên Chúa là nguồn gốc của họ. Năm sabát diễn ra 50 năm một lần. Năm ấy, những tài sản cầm cố của dân nghèo được trả lại, ruộng đất được nghỉ ngơi, nô lệ được trả tự do... Thật tuyệt vời và mức độ nhân văn rất cao! Nhưng đáng tiếc là người ta không hiểu được ý nghĩa ấy mà lại nhân danh luật để chà đạp con người!!!

Dừng lại trong tư cách người dân, người ta giữ luật bên ngoài, lách luật, kiếm lợi cách ích kỷ, chỉ lo tìm kiếm công trạng cho mình trước mặt Chúa!

Chúa Giêsu đưa người ta đi vào một tương quan sâu hơn: tương quan là gia đình của Thiên Chúa, là người nhà của Chúa. Khi có người báo mẹ và anh em muốn gặp Ngài, Đức Giêsu nói đến một tương quan vượt lên trên cả tương quan huyết thống, đó là tương quan trong gia đình Thiên Chúa.

“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50).

Trong tương quan gia đình ấy, con người có Thiên Chúa là Cha, có Đức Giêsu là Người Anh, và họ cũng là anh chị em với nhau. Khi ấy, bận tậm của mỗi người được mở ra cho Thiên Chúa, lo tìm kiếm và thực hành ‎ý Cha trên trời; và mỗi người cũng mở ra với anh chị em chung quanh.

Nhưng một lần nữa, những mối tương quan này cũng không là chi cả đối với những người chỉ nghĩ đến mình. Đạo vẫn dừng lại là hình thức, là tìm phần thưởng. Con người muốn chiếm hữu cách ích kỷ và khát vọng thống trị vẫn coi người chung quanh là đối tượng để khai thác cho mình! Chỉ khi đi vào tương quan của gia đình Thiên Chúa thì con người mới khá lên được, thì con người mới thực sự là người và sống như là con Thiên Chúa được.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn