Trời mới đất mới: đầy tình nghĩa ! - Tết Nguyên Đán - Năm Giáp Thìn, Mồng Một: Thánh lễ Tân Niên

Trời mới đất mới: đầy tình nghĩa ! - Tết Nguyên Đán - Năm Giáp Thìn, Mồng Một: Thánh lễ Tân Niên

Trời mới đất mới: đầy tình nghĩa ! - Tết Nguyên Đán - Năm Giáp Thìn, Mồng Một: Thánh lễ Tân Niên

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI : ĐẦY TÌNH NGHĨA !

Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48

Tết Nguyên Đán - Năm Giáp Thìn

Mồng Một: Thánh lễ Tân Niên

Thứ Bảy 10/02/2024

Hai đoạn trích trong sách Isaia và sách Khải Huyền đều nằm trong phần cuối sách và loan báo về thế giới tương lai với thành ngữ “trời mới đất mới”:

“Đức Chúa phán như sau: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới” (Is 65,17)

“Tôi là Gioan, tôi thấy trời mới đất mới” (Kh 21,1).

Sách Isaia nằm trong bối cảnh lưu đày Babion trở về, dân Do Thái đang xây dựng lại cuộc sống và đất nước. Còn sách Khải Huyền thì loan báo về thời cánh chung, sau những cuộc bắt bớ mà các kitô hữu phải gánh chịu. Lời của Chúa loan báo về một cuộc sống mới, khác hẳn với cuộc sống mà chúng ta đã trải qua!

Chúng ta nghe những tư tưởng ấy trong ngày đầu năm mới thật là thích hợp. Nhưng điều gọi là thích hợp ấy không phải là một thứ an ủi “ru ngủ”, cũng không phải là một thứ hoang tưởng hay mộng mơ. Tại sao? Tuy dù với kinh nghiệm sống cụ thể, có khi chúng ta có cảm tưởng rằng không thể thay đổi được những đau khổ, những “bất hảo” trong cuộc sống, mà dường như những điều này ngày càng tệ hơn nữa! Nhưng phải nói rằng: trời mới đất mới ấy không được mong chờ theo kiểu “chờ sung rụng”. Đó là điều vượt quá sức con người, cần phải cầu xin, nhưng lời cầu xin ấy còn giúp con người thực hiện ước vọng của mình. Hãy cộng tác vào. Niềm hy vọng kitô giáo bao gồm bước đi của Thiên Chúa và bước đi của con người.

Cách thế để thực hiện ước mơ trời mới đất mới ấy là một cuộc sống yêu thương bất chấp sự ghen ghét, thù hằn của người khác. Tôi nghĩ đến việc thực hiện điều này từ những điều giản dị hàng ngày, bằng những lời nói tử tế với nhau. Khi đang nói chuyện, có một người nổi nóng hoặc nói lời khiếm nhã, cả nhà trở nên nặng nề, câu chuyện không còn hứng khởi nữa! Khi không hài lòng hay tự ái về lời nói của người khác, tôi không kềm chế được miệng lưỡi để giữ im lặng, nên buông ra những lời khiếm nhã! Lời nói của tôi phá hỏng bầu khí của cả nhà! Tôi phá hoại lời hứa trời mới đất mới của Chúa bằng những lời nói khiếm nhã hàng ngày, và tôi cũng có thể xây dựng cuộc sống mới từ những điều giản dị hàng ngày ấy. Khả năng của tôi lớn lắm, nhưng điều ấy đòi khả năng kềm chế miệng lưỡi để nói lời nhã nhặn bất chấp sự khiếm nhã của tha nhân! Không kềm chế được miệng lưỡi thì không làm được gì cả, mà có khi còn phá hỏng những gì đang có!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn