Quan niệm trước đây về trách nhiệm tập thể đã gặp vấn nạn trong thời lưu đày Babilon. Thời lưu đày kéo dài đến nửa thế kỷ, nên những trẻ em trong đoàn lưu đày và những người sinh ra và lớn lên tại đó đã đặt câu hỏi: tại sao lỗi lầm của cha ông mà họ lại phải chịu phạt trong cảnh lầm than này?! Tiên tri Êdêkien sống thời lưu đày cùng với họ đã đưa họ đến một bước ngoặt quan trọng về trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm về những gì diễn ra trong hiện tại. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về chính hành động của mình chứ không phải là “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng” (Ed 18,2); và nếu từ làm điều dữ mà trở lại làm điều lành thì được thưởng, còn ngược lại thì bị phạt.
Quan niệm về trách nhiệm tập thể làm cho người ta ỷ lại vào công trạng của cha ông hoặc than trách những người đi trước! Người ta “phủi tay”, không mang lấy trách nhiệm về chính mình và cuộc đời của mình. Ngược lại, trách nhiệm cá nhân cũng không được hiểu là tôi chỉ lo phần tôi, và cuộc đời tôi, tôi chịu trách nhiệm, thì đừng ai đụng vào!
Thực ra phải liên kết cả hai: trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể. Đó là trách nhiệm cá nhân về tình liên đới với người khác. Chúa Kitô được thánh Phaolô trình bày trong thư Philipphê như là người liên đới với mọi người. Sự liên đới ấy khiến Ngài hạ mình xuống, làm cho mình “trở nên trống” để chết vì con người. Và chính điều đó đưa đến việc Thiên Chúa suy tôn Ngài lên. Qua Đức Kitô, Thiên Chúa cho thấy Ngài tự đảm nhận trách nhiệm về những thụ tạo do Ngài dựng nên, dù đó là do lỗi của họ.
“Không ai là một hòn đảo” bởi vì mỗi người hiện diện và lớn lên cùng với người khác. Vì thế mỗi người đều có trách nhiệm về người chung quanh. Hơn nữa, với ý hướng của Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI hiện nay, cách thức mà Giáo Hội mong đợi là nhiều người cùng nhau mang lấy trách nhiệm về những người chung quanh.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn