Với cách suy nghĩ của ngày hôm nay mà nói đến lòng yêu thích những điều hèn mọn (x. Rm 12,16) thì có phải là lạc lõng, không hợp thời chăng?! Nhưng thử nghĩ ngược lại, phải chăng trong đời sống chung, mà đời sống gia đình là điển hình, người ta không chịu nhau, ai cũng coi mình là hơn, nên tương quan bị đổ vỡ nhiều. Vậy phải chăng lòng yêu thích những điều hèn mọn vẫn còn hợp thời? Phải chăng lòng bác ái không giả hình giả bộ thì đi cùng với lòng yêu thích điều hèn mọn (x. Rm 12, 9 và 16)?
Với hình ảnh của Đức Maria khi đến viếng thăm và phục vụ bà chị họ Êlisabét và có khi cả gia đình bà nữa, chúng ta thấy rõ được điều mà thánh Phaolô viết trong thư Roma hôm nay: lòng bác ái mà không yêu thích những điều hèn mọn thì đó chỉ là bác ái giả hình giả bộ, không có trong lòng để trở thành lòng bác ái. Như vậy, lòng yêu thích những điều hèn mọn được đặt trong mối tương quan với tha nhân. Và thánh Phaolô nói thêm: “thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (12,10). Lòng thương mến mà cứ muốn hơn người khác, ở trên họ, muốn thể hiện quyền bính trên họ, muốn người khác làm theo ý mình..., thì không phải là lòng yêu mến thật sự và sâu xa.
Cô Maria được bà Êlisabét nhìn nhận là “Thân Mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43), nhưng Cô vẫn ở đó phục vụ bà và gia đình. Phải chăng đó là một hành vi “cúi xuống”? Không phải thế, nhưng thực sự như người bé mọn, bởi vì Cô biết rõ là: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,49). Sự cao cả thuộc về Thiên Chúa còn Cô vẫn là “phận nữ tỳ hèn mọn” (1,48). Như vậy, để thực sự có lòng yêu thích những điều hèn mọn thì phải ý thức mình hèn mọn nữa. Người hèn mọn làm điều hèn mọn, đó là điều mà thánh Phaolô gọi là “coi người khác trọng hơn mình”.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn