Tín hữu khiêm tốn trong một Giáo Hội khiêm tốn - Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

Tín hữu khiêm tốn trong một Giáo Hội khiêm tốn - Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

Tín hữu khiêm tốn trong một Giáo Hội khiêm tốn - Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh

TÍN HỮU KHIÊM TỐN TRONG MỘT GIÁO HỘI KHIÊM TỐN 

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12 

Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh, 08/01/2023

Đoạn sách Isaia chương 60 hôm nay thuộc về thời hậu lưu đày Babilon của dân Do Thái. Sau gần 50 năm nô lệ giờ được hồi hương, cuộc sống dân chúng thì nghèo khổ, việc xây cất lại Đền Thờ đã bị phá huỷ bình địa gặp nhiều khó khăn vì thiếu tiền và bị dân đang chiếm đóng ở vùng đó phá hoại. Vì thế, các đoạn văn này được thể hiện theo kiểu anh hùng ca để cổ võ tinh thần dân hồi hương: chỉ có Giêrusalem là bừng sáng còn các nơi khác thì tối tăm, các dân tộc và vua chúa khắp nơi sẽ tuôn về Giêrusalem, mang theo của cải, vàng bạc dâng cho Chúa cũng được hiểu là cống nạp cho dân của Chúa...! Vừa mang mặc cảm tự ti của dân nô lệ, vừa mang tâm tư kiêu hãnh của dân được Chúa chọn, họ bộc lộ những tâm tình còn đầy tham vọng và kiêu hãnh! Cũng trong tâm trạng đó, họ mong ước về một Đấng Messia đầy quyền lực chính trị để thống trị trên các dân khác, đồng thời mang lại cho dân Do Thái một đời sống ấm no và giàu sang. 

Nhưng hình ảnh của Đấng Messia được thể hiện nơi Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác: một Hài Nhi ở cùng với cha mẹ trong một căn nhà giản dị. Và suốt cuộc đời, không bao giờ Chúa Giêsu thể hiện được hình ảnh Đấng Messia như họ mong muốn! Người thay đổi hoàn toàn hình ảnh của Đấng Messia. Thánh Phaolô trình bày dân Do Thái và mọi dân khác làm nên một thân thể duy nhất, cùng được hưởng lời hứa của Thiên Chúa như nhau  (x. Ep 3,6). Ngài gọi đó là mầu nhiệm được mạc khải bởi Chúa Kitô.

Tín hữu chúng ta bị “lấn cấn” bởi hai điều trái nghịch: cá nhân được dạy phải sống khiêm tốn, nhưng lại được dạy về một Thiên Chúa kiêu hùng và một Giáo Hội đầy vinh quang, ở trên hết mọi tôn giáo khác! Phải chăng niềm kiêu hãnh này là bộc lộ của một tâm hồn kiêu hãnh?! Nên chăng, chúng ta cần nhận ra khác biệt giữa niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin tưởng vào Giáo Hội khác với lòng tự phụ? Thiên Chúa được trình bày nơi Đức Giêsu Kitô là một Thiên Chúa khiêm tốn và tôn trọng con người. Vậy thì chúng ta cũng phải nhìn về Giáo Hội cách khiêm tốn, để rồi các tín hữu cũng phải khiêm tốn khi gặp gỡ những người khác niềm tin với mình, các người có trách nhiệm trong Giáo Hội, trong các cộng đoàn đức tin cũng phải khiêm tốn khi phục vụ anh chị em mình.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn