Những người có niềm tin thì hướng về thiên đàng, còn những người vô thần thì muốn loại bỏ niềm tin tôn giáo nên tuyên bố họ sẽ xây dựng thiên đàng ở trần gian. Rốt cuộc cả hai đều không tìm thấy thiên đàng. Cả hai đều cho rằng thiên đàng là có thật, tuy dù họ hiểu theo hai nghĩa khác nhau, nhưng rốt cuộc thiên đàng vẫn cứ như là ảo tưởng!
Những người Pharisêô hỏi Đức Giêsu khi nào Nước Thiên Chúa đến. Họ hiểu Nước Thiên Chúa với những suy nghĩ trần gian là dân tộc họ có sức mạnh quân sự, giàu có, khi họ ở trên mọi dân tộc khác! Đức Giêsu trả lời triều đại Thiên Chúa không ở đây hay ở kia theo như họ nghĩ, mà là ở giữa họ. Điều này có nghĩa là vương quyền của Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ nơi Đức Giêsu. Nhưng cách Đức Giêsu thể hiện vương quyền thần linh lại không như họ nghĩ, mà qua con đường thập giá (x. Lc 17,25) trước khi thể hiện theo nghĩa vinh quang vào ngày cánh chung (x. 17,24). Nhưng với cách thể hiện vương quyền Thiên Chúa qua thập giá như vậy thì họ không nhận thức được và họ không muốn tin vào Đức Giêsu là Đấng Messia!
Ông Phaolô viết cho ông Philêmôn thì trình bày triều đại Thiên Chúa với cách nhìn khác và bổ túc cho cách trình bày của Đức Giêsu. Đó là tình trạng anh Ônêximô là nô lệ của ông Philêmôn nhưng đã trở nên “người ruột thịt” của ông Phaolô (x. Plm 7,12) và thánh nhân xin ông Philêmôn hãy coi anh này là người anh em (x. 7,16). Đó còn là tình trạng mang nợ ân tình: ông Phaolô tự nguyện mang lấy món nợ của anh Ônêximô với ông Philêmôn, nhưng đồng thời cũng nói rằng chính con người ông Philêmôn là món nợ với ông Phaolô! Như vậy, vương quyền của Đức Kitô được thể hiện là khi người ta sống yêu thương nhau.
Vậy thì, thiên đàng chính là khi mà người ta tin vào Đức Giêsu Kitô và khi người ta sống yêu thương nhau. Như thế thì thiên đàng đang ở đây, ở giữa con người, nhưng cũng là ở phía trước, vì niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và tình yêu giữa con người với nhau vẫn là một thách thức phía trước, chờ cho đến khi thành toàn vào ngày cánh chung.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn