Chúng ta có hai câu nói có vẻ như tương đương với nhau được ghi lại trong Tin Mừng Matthêô và Luca, tuy dù có khác nhau một chút.
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48)
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
Người ta đoán là câu của Luca sát hơn với lời từ miệng Chúa Giêsu nói ra, bởi vì, trong cả hai Tin Mừng, mạch văn đều là lời dạy hãy yêu mến kẻ thù. Matthêô sửa lại một chút vì ông muốn câu đó trở thành câu kết của phần lớn hơn ở trên, từ chương 5 câu 1 đến hết câu 47. Làm tất cả những lời ấy thì nên hoàn thiện như Cha trên trời. Còn Luca ghi câu ấy chỉ nhằm đến lời dạy yêu thương kẻ thù, và ông nới ra thêm chút, là lời dạy hãy có lòng nhân từ như Cha Trên Trời. Và đây là phần chúng ta được nghe hôm nay.
Hình ảnh Chúa Cha được Matthêô ghi lại là một Thiên Chúa mở rộng tình thương của Ngài như là cho mưa trên mọi người, cả người lành lẫn người dữ. Còn Luca cho thấy: cư xử với người khác thế nào thì Thiên Chúa cũng sẽ cư xử lại như vậy và còn hơn thế nữa.
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị (Thiên Chúa) xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị (Thiên Chúa) lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được (Thiên Chúa) thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được (Thiên Chúa) cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6,37-38).
Tuy dù từ Thiên Chúa không có trong bản văn, nhưng cách nói ngôi thứ ba số ít của văn chương Do Thái ngầm ý chỉ Thiên Chúa. Qua những lời trên, Thiên Chúa tự làm cho mình liên lụy với những người yếu thế, giới hạn và cần đón nhận. Thiên Chúa sẽ trả lại nhiều hơn, “đã dằn, đã lắc, đầy tràn”, cho lòng quảng đại của chúng ta dành cho nhau. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn