Thiên Chúa là mối quan tâm hàng đầu - Thứ Ba Tuần III - Mùa Thường Niên

Thiên Chúa là mối quan tâm hàng đầu - Thứ Ba Tuần III - Mùa Thường Niên

Thiên Chúa là mối quan tâm hàng đầu - Thứ Ba Tuần III - Mùa Thường Niên

THIÊN CHÚA LÀ MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU

2Sm 6,12b-15.17-19; Mc 3,31-35

Thứ Ba Tuần III - Mùa Thường Niên

23/01/2024

Có người cho rằng câu chuyện vua Đavít rước Hòm Bia Thiên Chúa về thành Giêrusalem ở chương 6 của sách Samuel quyển 2, theo khuynh hướng những người đề cao vai trò của các Lêvi và việc phụng tự. Vì thế họ tường thuật việc rước Hòm Bia mà không có các Lêvi thì bị trừng phạt. Phải đến lần thứ hai, khi có các Lêvi, thì mới có thể rước Hòm Bia về Giêrusalem cách an toàn! Vua Đavít được mô tả là người đầy nhiệt thành với những việc thuộc về Thiên Chúa khi ông nhảy múa khi rước Hòm Bia Thánh. Hoàng hậu Mikhan mỉa mai vua làm chuyện không xứng đáng với một vị vua. Vua trả lời rằng: trước nhan Thiên Chúa, ông chỉ là người hèn mọn, và ông sẽ còn hạ mình hơn nữa (x. 6,22)!

Cả cuộc đời, vua Đavít luôn coi Thiên Chúa và ý của Thiên Chúa là quan trọng nhất. Ông có một tương quan rất gần gũi với Thiên Chúa. Đức Giêsu trong Tin Mừng thì nói gia đình của Ngài là những ai thi hành ý của Thiên Chúa (x. Mc 3,35).

Thiên Chúa và ý muốn của Ngài phải là mối quan tâm hàng đầu đối với những ai đi theo Đức Giêsu, chứ không phải là dự định hay công trình của con người đâu. Người ta đấu đá nhau, tấn công nhau để thực hiện cho bằng được những gì mình muốn. Nhưng rồi cuối cùng những thứ công trình ấy cũng qua đi hết, và ngay cả những người thực hiện nó cũng qua đi! Chỉ công trình của Thiên Chúa mới mang lại lợi ích tồn tại cho con người, cho người thời này rồi đến thời sau. Vậy thì tại sao con người cứ phải cấu xé nhau để thực hiện ý định của mình nhỉ. Nhưng đó không phải nơi những người lớn lao, nơi những công trình của ai đâu xa, mà là chuyện của mỗi người chúng ta đó: chúng ta vẫn căng thẳng, tấn công, đả kích nhau để bảo vệ cho ý muốn của mình! Hăng máu, tự ái khiến chúng ta làm thế. Sau đó là những đổ vỡ trong tương quan. Nhưng như thế để làm gì nhỉ?!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn