Thế nào là dân ngoại - Chúa Nhật Tuần XX - Mùa Thường Niên A

Thế nào là dân ngoại - Chúa Nhật Tuần XX - Mùa Thường Niên A

Thế nào là dân ngoại - Chúa Nhật Tuần XX - Mùa Thường Niên A

THẾ NÀO LÀ DÂN NGOẠI 

Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.29-32; Mt 15,21-28 

Chúa Nhật Tuần XX - Mùa Thường Niên A, 20/08/2023

Đôi khi các kitô hữu cảm thấy chưa thoả mãn lắm với hướng mở ra cho dân ngoại nơi Đức Giêsu! “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” (Mt 15,24). Lúc còn ở dương thế, Đức Giêsu cũng chỉ sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng nơi các cộng đồng Israel với lời căn dặn: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel.” (Mt 10,6). Tuy nhiên, ngay từ bài giảng đầu tiên sau khi đón nhận Thánh Thần, ông Phêrô đã mở ra với mọi dân tộc, đã loan báo về ơn Thánh Thần cho “mọi xác phàm” (Cv 2,17). Ông nói tiếp: “Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” (Cv 2,39). “Những người ở xa”, đó là cách nói chỉ các dân ngoài Do Thái. Vậy phải chăng ý hướng của Chúa Giêsu và các môn đệ khác nhau?!

Có thể nói rằng: có sự khác biệt về ý tưởng được gọi là “dân ngoại” nơi Chúa Giêsu. Người Do Thái gọi những ai ngoài dân của họ là dân ngoại. Người Roma sau này gọi những ai không phải là dân Roma là dân ngoại. Giáo Hội Kitô Giáo gọi những ai không phải kitô hữu là dân ngoại. Từ ngữ “dân ngoại” (gentiles) có khi được hiểu là “người ngoài, người xa lạ”. Với Chúa Giêsu, những ai từ khước tin vào Ngài thì được coi như người ngoài. “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8,11-12). Chúa Giêsu nói lời này khi chữa lành cho người đầy tớ viên đại đội trưởng Roma. Người phụ nữ Canaan và con bà trong bài Tin Mừng hôm nay được cứu vì tin vào Chúa Giêsu. Như thế, thì dù là kitô hữu, nhưng nếu thực sự đời sống không diễn tả được niềm tin, không biết dễ bảo với Thánh Thần, thì vẫn có thể là dân ngoại, là người xa lạ.

Bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu Kitô và sống niềm tin ấy, thì được cứu độ, tức là trở thành người thuộc về Chúa Kitô và được đưa vào gia đình của Thiên Chúa là Cha. Đức tin này không phải là một danh hiệu, một nghi thức đã cử hành một lần ở quá khứ, nhưng mang tính chất hiện sinh, tính chất “hôm nay”. Chúa Giêsu nói với ông Giakêô: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Tin là biết quỳ xuống!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn