Câu chuyện đám cưới tại Cana có thể được giải thích bằng những ý tưởng mang màu sắc khuyến thiện: Đức Maria quan tâm đến người khác, hãy nhờ Đức Maria cầu xin với Chúa Giêsu, giá trị việc vâng lời của các gia nhân... Tất cả những giải thích ấy đều tốt cả, nhưng xem ra chưa đủ sâu! Rồi người ta có thể thắc mắc: tại sao Chúa Giêsu trả lời là “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4) nhưng rồi sau đó thì Người lại làm phép lạ?!
Sâu xa hơn, cần hiểu câu chuyện này theo thần học của Tin Mừng Gioan. Ông Gioan viết Tin Mừng không theo lối tường thuật như 3 Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng với dụng ý thần học. Trong câu chuyện này, ông muốn trình bày là với Chúa Giêsu, một nhiệm cục mới đã bắt đầu. Ngay sau chuyện đám cưới này, ông Gioan kể sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ ở cùng chương 2, sự kiện mà theo 3 Tin Mừng kia và điều đó hợp lý hơn, phải diễn ra vào cuối đời công khai của Chúa Giêsu. Nhưng ở đây, ông muốn nói Chúa Giêsu bắt đầu một nền phụng tự mới.
Hình ảnh đám cưới được Chúa Giêsu dùng để mô tả về Nước Trời. Rượu cũ của Do Thái giáo đã cạn, hoặc nhạt như nước lã. Chúa Giêsu làm nên rượu mới ngon hơn nơi Nước Trời. Trong Tin Mừng Gioan, “giờ” của Chúa Giêsu chỉ việc Người chết trên thập giá và được tôn vinh bên Chúa Cha. Đó là đỉnh cao của việc thành lập Nước Trời. Vì thế, việc Người làm cho nước trở nên rượu không dừng lại là một phép lạ, nhưng là “dấu chỉ” cho “giờ” của thập giá mà Người sẽ thực hiện sau này.
Phụng vụ cho chúng ta nghe bài Tin Mừng này vào những ngày sau lễ Giáng Sinh cho thấy đỉnh cao, ý nghĩa thâm sâu của việc Nhập Thể được thể hiện nơi việc Người chết cho nhân loại.
Cũng thế, đời người của chúng ta sẽ không đạt tới chiều sâu của nó nếu không có thập giá, không có sự hiến thân vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Thập giá đưa sự hạ mình của giáng sinh đến chỗ sâu nhất của nó. Chính sự khiêm hạ trong đời sống con người làm nên giá trị của đời người.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói về chính mình như là “người thợ làm vườn nho khiêm tốn”.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn