Bài giảng của thánh Phaolô dành cho những người Hy Lạp thuộc Hội đồng Arêôpagô được coi là bài giảng danh tiếng, với những vận dụng từ thực tế của việc thực hành tôn giáo của địa phương cùng với những tư tưởng của những vị có thế giá thuộc về văn hoá của họ. Bên cạnh những điều đó, tư tưởng của thánh nhân mời gọi người nghe đi vào chiều sâu của đời sống tôn giáo, không dừng lại ở những hình thức, không đồng hóa Thiên Chúa với những hình tượng bằng gỗ đá. Thánh nhân giới thiệu về Thiên Chúa không ở xa, nhưng Ngài hiện diện cùng với con người trong sự hiện hữu, trong cuộc sống, trong hoạt động. Mượn tư tưởng của một thi sĩ Hy Lạp, thánh nhân nói đến chân lý: con người thuộc về dòng giống của Thiên Chúa. Nói theo sách Sáng Thế, con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Từ những cách nói ấy, thánh nhân đưa vào niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh.
Đời sống đức tin đi vào chiều sâu được Chúa Giêsu nói đến cách khác nhờ sự tiếp nhận Thánh Thần trong cuộc sống. Giáo huấn của Chúa Giêsu chính là giáo huấn của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo huấn ấy là giáo huấn cho cuộc sống, nên không thể hiểu hết tại một thời điểm nào đó của cuộc sống, nhưng phải đi dọc theo cuộc sống. Thánh Thần sẽ làm cho các tin hữu hiểu giáo huấn đó dọc theo hành trình cuộc đời, dọc theo hành trình của lịch sử thế giới và lịch sử của Giáo Hội.
Các tín hữu sẽ bị rơi vào tình trạng “dừng lại” nếu họ hài lòng với những hình thức, những nghi lễ, những điều luật chưa được hiểu thấu đáo. Tình trạng ấy khiến họ không còn đi tới nữa, không còn tiếp nhận soi sáng của Thánh Thần dọc theo cuộc sống nữa, và như thế là hời hợt, là “giữ đạo” chứ không phải là “sống đạo”! Tình trạng “dừng lại” đó có nguy cơ là nặn đúc Thiên Chúa theo ý mình!
Thánh Thần được biểu tượng là gió, khí, bồ câu, như vậy, Thánh Thần không dừng lại. Hãy trở thành những tín hữu, những cộng đoàn luôn trên hành trình để khám phá soi sáng của Thánh Thần và đi theo Ngài.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn