Càng ngày tôi càng xác tín rằng những đòi hỏi của Chúa Kitô không phải là một áp đặt từ bên ngoài trên cuộc sống con người, hoặc chỉ đơn thuần mang giá trị tôn giáo tức là coi đó chỉ là một phần nào đó của cuộc sống con người mà thôi, nhưng những đòi hỏi ấy mang giá trị nơi sâu xa của con người và có giá trị trên toàn bộ cuộc sống. Hay nói cách khác, các đòi hỏi của Tin Mừng làm cho con người sống cho ra người và là con người cách đầy đủ, sâu xa nhất! Sự tha thứ mà Lời Chúa hôm nay mời gọi cũng hiểu theo nghĩa đó: tha thứ để có thể sống cuộc đời của mình và mang lại sự sống cho cuộc đời người chung quanh.
Sách Huấn Ca nói về sự oán giận rằng đó là tội lỗi: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (Hc 27,30)
Tha thứ là điều kiện không thể thiếu để xin ơn tha thứ của Thiên Chúa cho chính mình: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình!” (Hc 28,2-4)
Và phải nghĩ đến giờ chết để bỏ qua lỗi lầm của tha nhân: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù” (Hc 28,6)
Không được tha thứ bởi Thiên Chúa và tha nhân thì không ai có thể sống ở đời được. Và cũng không thể sống cuộc đời của chính mình và làm cho người khác sống hạnh phúc được nếu cứ chấp nhất lỗi lầm của nhau! Trong dụ ngôn của Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: ông vua trao người không biết tha thứ cho lính hành hạ cho đến ngày trả hết nợ! Nhưng điều đó gần như có nghĩa là đến hết đời, vì món nợ lớn như vậy làm sao trả nổi! Và Chúa Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (x. Mt 18,34-35).
Không cảm nhận mình được tha thứ bởi Thiên Chúa và người chung quanh, thì cũng khó mà tha thứ cho người khác! Và như vậy, sống mà như đang chết dần từng ngày!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn