“Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,
thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (Hs 6,6).
Câu này được lặp lại thường xuyên trong các bài viết, bài giảng; tuy nhiên, người ta thường dùng phần đầu mà ít lưu ý đến phần sau. Nhưng khi phụng vụ đặt bản văn Hôsê này chung với dụ ngôn “Hai người lên Đền Thờ cầu nguyện” thì phần sau được gợi ra.
Hình ảnh người Pharisêô thể hiện thái độ không cần đến Thiên Chúa. Ông chỉ khoe thành tích giữ Luật của mình và không hề xin Chúa ban thưởng những công trạng của mình. Không hề! Điều ấy có nghĩa là ông cho rằng chính hành động của ông đã làm cho ông nên công chính rồi, chứ đâu cần Chúa ban cho! Và dụ ngôn kết thúc: người này không được công chính, còn người thu thuế thì được. Có nghĩa là chính Chúa mới ban cho con người sự công chính. Và Chúa Giêsu nói tiếp ngay: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,14). Được nâng lên hay hạ xuống là do chính Thiên Chúa.
Dụ ngôn này cho thấy điều quan trọng nhất không phải là công trạng của con người, không phải là hy lễ, nhưng là nhận biết Thiên Chúa và sống tương giao với Ngài. Khi ấy, người ta cũng nhận biết và sống tương giao với người khác nữa. Dụ ngôn cho thấy khi người ta không đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình, thì người ta cũng khinh miệt người khác, không sống được tương giao với người khác.
Điều này có vẻ đơn giản, nhưng đời sống đạo của các tín hữu, cách riêng là của những người thấy thành tích của mình cao quá, lại thường rơi vào trường hợp này. Lối đạo đức làm phá huỷ tương giao này không phải là đạo đức mà Chúa muốn. Khi nhận biết đúng hơn và khiêm tốn hơn về chính mình, thì người ta có thể sống tương giao với Thiên Chúa và với tha nhân tốt hơn. Điều này cũng có nghĩa là khi người ta thấy các mối tương giao này không lớn lên, không sinh động, nhưng thường xuyên bất ổn, đó là dấu cho thấy người ta đang sống “lối đạo đức ốc đảo”!
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn