Cách nhìn của thánh Phaolô về sứ vụ rao giảng Tin Mừng hoà quyện giữa bắt buộc và tình nguyện, giữa trách nhiệm và niềm vui. Ngài diễn tả điều ấy như sau:
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.” (1Cr 9,16-18).
Điều ngài gọi là “không tự ý” đi liền với “ân ban”. Ngài đã được Chúa Giêsu đến gặp tại biến cố té ngã ở Damas, đã được tha thứ tội bắt bớ những người theo Chúa Giêsu và được chọn làm tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Thánh Phaolô coi đó là ân ban, là tình thương của Chúa Giêsu Kitô dành cho ngài, và điều đó ngài nói lại nhiều lần không mệt mỏi nhưng đầy hứng thú. Đó vừa là ân ban, vừa là sự bắt buộc vì không thể không nói, và việc rao giảng ấy chẳng được coi là có công lênh gì. Trong logic đó, chúng ta mới hiểu được cách nói nghịch lý khác: rao giảng không công là tiền công của ngài! Chính trong sự thu hút về Chúa Giêsu Kitô ấy mà ngài nói mình từ là người tự do đã tự ý trở thành nô lệ của các tín hữu, trở nên mọi sự cho mọi người (19-23).
Không hiểu được sự thu hút bởi Chúa Giêsu Kitô này, người ta không thể hiểu về các vị truyền giáo không mệt mỏi, mà thánh Phanxicô là một minh chứng! Sự thu hút thần linh cũng là mấu chốt để giải thích về những tích cực hoặc tiêu cực của các tín hữu, của những người sống đời thánh hiến khi đối diện với sứ vụ: hăng hái hay uể oải; tình nguyện hay cảm thấy nặng nề, bị ép buộc, ganh tị; đầy sáng kiến hay làm cho qua, theo lối mòn và làm vừa phải! Rao giảng Tin Mừng trước hết không phải là một công việc, không phải là một cách thể hiện bản thân, nhưng là một tương giao với Chúa Giêsu Kitô và từ đó đi đến tương giao với anh chị em mình.
LP. Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn