Sự nguy hiểm của lòng đạo đức - Thứ Sáu sau lễ Tro

Sự nguy hiểm của lòng đạo đức - Thứ Sáu sau lễ Tro

Sự nguy hiểm của lòng đạo đức - Thứ Sáu sau lễ Tro

SỰ NGUY HIỂM CỦA LÒNG ĐẠO ĐỨC !

Is 58,1-9a; Mt 9,14-15 

Thứ Sáu sau lễ Tro, 16/02/2024

Càng ngày tôi càng nhận thức rõ sự nguy hiểm của lòng đạo đức, nói chính xác hơn là của lòng đạo đức không đúng đắn! Nơi các cộng đoàn đời tu, bên cạnh những kỷ luật, những đòi hỏi về việc thực hành đạo đức, thì vẫn luôn hiện diện, và nhiều khi rất trầm trọng, về một tương quan huynh đệ rất kém! Căng thẳng của đời tu không phải là kỷ luật, hy sinh, mà ở sự kém cỏi của tình huynh đệ! Và đó là điều nghịch lý, bởi vì họ được gọi để trở nên một cộng đoàn, một gia đình của đời sống thánh hiến, được gọi để nâng đỡ nhau trong đời sống và trong sứ mạng, để cùng thực hiện sứ mạng chung của Giáo Hội, nhưng điều chính yếu là tình huynh đệ lại tồi tệ, trong khi người ta tự hào về những thành tích của kỷ luật, an tâm về danh sách những việc đạo đức dài lê thê!!!

Chính Chúa Giêsu cũng như các tiên tri ngày xưa cũng bận tâm về chuyện này. Người ta tự hào về đức công chính qua thực hành Lề Luật, họ gia tăng các dịp để ăn chay…, nhưng bên cạnh đó, vẫn là những tính toán tìm mối lợi nơi sự túng thiếu của người nghèo. Những người lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu thì bận tâm đến chuyện ăn chay, nhưng tâm hồn tự do, thanh thoát để sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế thì không. Họ chỉ bận tâm đến thành tích đạo đức của bản thân và trách móc người khác không đạo đức như họ! Lòng đạo đức đóng kín họ lại nơi chính mình, nên không mở ra được với hướng đi của Thiên Chúa!

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp Mùa Chay 2024 về hành trình đi từ nô lệ đến tự do. Điều cần giải thoát trước tiên là thoát khỏi ác tâm của chính mình. Ác tâm sinh ra ác khẩu và những lời nói hiểm độc. Rất thường xuyên, cái lưỡi điều khiển cuộc sống của tôi, phá huỷ cuộc sống của tôi và cuộc đời của người khác!

“Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác… Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa.” (Gc 3,6-9)

Người làm chủ được miệng lưỡi là người tự do! Tu cho lắm, làm việc đạo đức cho nhiều, mà miệng lưỡi hiểm độc, là đang “ung dung” tự đưa mình vào án phạt!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn