Tin Mừng Matthêô gom vào chương 13 này tất cả 7 dụ ngôn về Nước Trời. Ngôn ngữ dụ ngôn nhằm diễn tả những tính chất khác nhau của Nước Trời, và luôn luôn người ta thấy ở đó tính chất bí ẩn, thần thiêng. Đoạn trích Tin Mừng hôm nay gồm 3 dụ ngôn: lúa-cỏ lùng, hạt cải và men trong bột. Nước Trời là thực tại thần thiêng nên ngôn ngữ dụ ngôn không thể diễn tả hết được.
Hạt cải bé nhỏ nhưng lớn lên thành cây lớn và nắm men làm nổi dậy cả 3 thúng bột, tất cả đều cho thấy sức mạnh của Nước Trời, hoặc nhìn thấy được bên ngoài hoặc thấm sâu vào bên trong. Tuy nhiên, sức mạnh của Nước Trời không thể được hiểu theo nghĩa trần tục như là một thứ bạo lực nào đó, nếu không, thực tại Nước Trời sẽ bị lẫn lộn với thực tại trần gian. Dụ ngôn lúa và cỏ lùng cho thấy điều đó.
Người ta muốn Thiên Chúa phải chỉ ra cách rạch ròi ai là người tốt ai là người xấu để tưởng thưởng hoặc xử phạt công minh. Nhưng thực tại không như thế, bởi vì trong mỗi người đều có “con cái của Nước Trời” và “con cái của Ác Thần” sống chung với nhau; và nơi mỗi người là một cuộc đấu tranh hàng ngày để điều tốt lớn lên hay điều dữ lớn lên. Nếu nóng nảy muốn tiêu diệt sự dữ, thì con người bị tiêu diệt hết! Nhưng Thiên Chúa lại muốn cứu độ mọi người.
Đây là điều mang tính chất rất hiện sinh. Phải chăng, cuộc sống chung của chúng ta vẫn diễn ra những thái độ thiếu kiên nhẫn với nhau do điều này. Ước muốn “thanh luyện”, ý muốn “xử án rạch ròi”, “quá tam ba bận”, tha thứ 3 lần là đủ rồi... khiến nảy sinh những nóng nảy, thiếu kiên nhẫn trong đời sống gia đình, trong các cộng đoàn đức tin là điều thường thấy lắm! Người ta đặt giới hạn, ranh giới cho sự kiên nhẫn của mình. Nhưng nếu thế, thì thực sự chúng ta không thể sống được trong cuộc đời này. Con người thì không chịu đựng nhau thêm được nữa, còn Thiên Chúa thì vẫn âm thầm và ngày ngày kiên nhẫn với con người. Sách Khôn Ngoan nói Thiên Chúa làm chủ sức mạnh của mình và khuyên người công chính thì phải có lòng nhân ái (x. 12,18 và 19).
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn