Sống liên đới - Thứ Hai Tuần XXVII - Mùa Thường Niên

Sống liên đới - Thứ Hai Tuần XXVII - Mùa Thường Niên

Sống liên đới - Thứ Hai Tuần XXVII - Mùa Thường Niên

SỐNG LIÊN ĐỚI !

Gn 1,1 - 2,1.11; Lc 10,25-37 

Thứ Hai Tuần XXVII - Mùa Thường Niên, 09/10/2023

Sống ở cuộc đời, dù muốn hay không, người ta vẫn luôn ở trong tình liên đới với nhau. Có khi người ta nói: “cuộc đời tôi để tôi lo, xin đừng can thiệp vào”, “tôi có quyền sống theo ý thích riêng của tôi”... nhưng nói cho kỳ cùng, người ta cũng không thể ra khỏi sự liên đới với người khác. Đứa con lớn lên, muốn thoát khỏi vòng tay che chở của cha mẹ, muốn được tự do làm theo ý thích, nhưng cha mẹ thì vẫn cứ dõi theo con mình!

Sách Giona được xếp vào bộ sách các tiên tri vì người ta hiểu lầm, bởi vì sách dùng tên của một vị tiên tri vào thế kỷ VIII tCN (2V 14,25). Thực ra, nội dung sách là một câu chuyện tưởng tượng nhằm mục đích giáo huấn nhiều hơn là mang tính cách lịch sử. Ông Giona được Thiên Chúa sai đi rao giảng về sự sám hối cho dân thành Ninivê, nhưng ông không chịu và bỏ trốn lên tàu để “tránh xa mặt Chúa”. Nhưng ông đã trở thành tai hoạ cho các thuyền nhân khác và họ buộc phải ném ông xuống biển. Khi ông bằng lòng rao giảng, thì dân thành này nhất loạt trở lại, từ người già đến trẻ em và cả súc vật nữa! Ông là dân Do Thái, thù ghét dân Ninivê vì bị dân này thống trị, nên ông không hài lòng khi thấy họ sám hối và được Chúa tha thứ! Ông ra ngoài thành, ngồi ở đó. Chúa cho cây thầu dầu lớn lên che nắng cho ông, rồi lại làm cho cây chết và ông bị nắng nóng chiếu trên mình. Ông giận Chúa vì điều đó. Chúa nói: cây thầu dầu ông không trồng mà còn thương tiếc nó, thì làm sao Chúa không thương dân thành Ninivê cũng là những người được Ngài dựng nên! Cách trình bày thật tuyệt với về tình liên đới.

Câu chuyện người Samaria nhân hậu cũng cho thấy về tình liên đới của một người thuộc về dân thù nghịch với nạn nhân, trong khi hai người cùng chủng tộc thì dửng dưng!!!

Sống ở đời phải sống được tình liên đới với người khác thì mới thực sự là con người và là kitô hữu, là con Thiên Chúa. Chỉ khi biết sống tình liên đới, vượt qua những khó khăn, thì mới là người trưởng thành nhân bản và tâm linh, và mới có thể thực sự phát triển.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn