Trên hành trình truyền giáo, khó khăn khá lớn mà ông Phaolô và Barnaba gặp là từ những người theo đạo Do Thái. Họ ghen tức khi có nhiều người tin vào Chúa Kitô, nên họ chống đối, nhục mạ, xúi dục người khác ném đá các ông. Chúng ta tự hỏi rằng: đạo nghĩa gì kỳ lạ vậy? Tại sao điều họ tự coi là đạo đức lại là những chống đối, mưu gian, loại trừ, và giết hại người khác?! Bài đọc 1 hôm nay cho thấy rõ điều đó. Những thái độ đó không chỉ bộc lộ nơi vài cá nhân, nhưng còn mang tính tập thể nữa: họ đồng lòng làm điều gian ác, nhưng lại coi đó là đạo đức!!!
Có lẽ Do Thái Giáo phát sinh và phát triển trong một môi trường đa thần. Các vị thần linh này được gắn liền với một dân tộc và do đó cũng nối kết chặt chẽ với quyền bính dân sự, với sức mạnh quân sự. Vì thế, những cuộc chiến giữa các dân tộc ngày xưa thường đi kèm với niềm tin của các dân tộc khác nhau. Ở giữa niềm tin đa thần của các dân chung quanh, niềm tin Do Thái Giáo mang tính chất độc thần và tín hữu được nhắc nhở thường xuyên là phải tránh xa những ảnh hưởng tôn giáo của các dân chung quanh. Dân Do Thái tự hào về niềm tin của mình, về dân tộc được Chúa tuyển chọn và thường xuyên thanh tẩy những gì khác với niềm tin của họ. Tinh thần này rất mạnh và được coi là bổn phận của người đạo đức. Những người tin vào Đức Giêsu Kitô bị loại trừ cách mạnh mẽ trong tinh thần đó.
Kitô Giáo xuất phát từ giữa lòng Do Thái Giáo nhưng theo hướng hoàn toàn khác. Với Đức Giêsu Kitô, Đức Chúa được trình bày là Cha và là Cha của mọi người, mọi dân tộc. Vì thế, tư tưởng loại trừ là không đúng với niềm tin. Ngược lại,các tín hữu được mời gọi đón nhận những người khác về quốc tịch, văn hoá, đẳng cấp xã hội... Những khác biệt được coi là xuất phát từ sự phong phú của Thánh Thần.
Niềm tin kitô giáo là như thế, nhưng kitô hữu nhiều khi không hiểu được điều này, không hiểu được tính chất công giáo của niềm tin mình, nên vẫn diễn ra những loại trừ mang danh nghĩa của niềm tin, nhân danh lòng đạo đức để loại trừ nhau! Lý do là hiểu biết về niềm tin chưa tới, là sống niềm tin chưa tới mức, vẫn để cho những ham hố, đam mê, giận ghét điều khiển mình, mà còn liên kết với nhau trong những thể hiện ấy nữa!
Hiểu đạo chưa tới, sống đạo lờ vờ không chỉ đưa đến cuộc sống “chưa tới”, nhưng có khi gây tổn hại lớn, có khi còn phá hoại tôn giáo của mình, cộng đoàn của mình nữa! Hãy có mong muốn đi vào chiều sâu của niềm tin kitô giáo, hãy có khát vọng sống cho tới đời sống đạo của mình, để mình thực sự phát triển và mang lại hoa trái cho cuộc sống chung với cộng đồng.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn