Sách Đệ Nhị Luật có thể được coi như một cái nhìn về lịch sử đã trải qua. Nhân vật chính trong sách là ông Môsê. Trước khi dân Do Thái đi vào đất hứa, ông ôn lại cho dân toàn bộ lịch sử của cuộc hành trình trong sa mạc. Và điều ông mong muốn là dân thấy được những việc lạ lùng mà Đức Chúa đã làm cho dân, họ được Ngài yêu thương hơn mọi dân tộc khác, để dân tin tưởng vào Đức Chúa và luôn trung thành với Ngài. Việc ôn lại ký ức không phải là nhắc lại các sự kiện riêng rẽ, nhưng để từ đó đi đến xác tín vào tình yêu không bao giờ thay đổi của Đức Chúa, để từ nay dân đừng bao giờ phản kháng hay từ bỏ Thiên Chúa nữa. Ông Môsê nhấn mạnh điều đó, bởi vì chính ông đã từng chứng kiến bao lần dân này đã trở lòng với Đức Chúa!!!
Việc có một ký ức như thế rất quan trọng. Niềm tin của chúng ta không phải là những điều trừu tượng, những bài giáo lý, nhưng là những biến cố, những sự kiện cụ thể, những trải nghiệm sống động về Thiên Chúa, để rồi một lòng trung thành với Ngài cho dù có khi cuộc đời có nhiều điều khó hiểu, có khi phải trải qua những gian nan, đau khổ. Tôi “chứng kiến” được điều đó nơi những người cha, người mẹ thời đất nước nghèo đói. Các vị ấy không học thần học, nhưng có những trải nghiệm tâm linh sâu sắc, nên cứ khuyên nhủ con cái: cứ trung thành với Chúa và phó thác cho Ngài, Chúa sẽ lo! Lúc ấy có những chủ trương gây nhiều khó dễ, bất lợi cho các kitô hữu, nhưng các vị ấy cứ một mực khuyên nhủ con cái hãy trung thành!
Lời mời gọi bước theo con đường thập giá của Đức Giêsu sẽ dừng lại như điều khô khan, khó nuốt, hoặc được thực hiện “bữa đực, bữa cái” với một tâm lý mệt mỏi! Nhưng nếu biết thường xuyên nhìn lại lịch sử bản thân và cộng đồng, nếu cảm nhận được một Thiên Chúa sống động, chúng ta có thể bước đi trong bình an và vui tươi, bởi vì chúng ta không làm theo một thứ lệnh truyền, nhưng bước theo một Đấng, đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng ta.
LP. Nguyễn Trọng Sơn