Hình ảnh “Con Người” được trình bày trong sách Đaniel hôm nay mang tính chất huyền bí của một người đến từ trời. Con Người này mang sắc thái vinh quang, được Vị Lão Thành trao cho vương quyền. Sách Đaniel được viết vào khoảng thế kỷ 2 tCN, thời dân Do Thái bị nô lệ đế quốc Hy Lạp. Vì thế hình ảnh Con Người huyền bí ấy được lối văn khải huyền nói về Dân Chúa sẽ thống trị ngược lại các nước khác! Và xem ra cách nhìn này về hình ảnh Con Người đi theo người Do Thái trong suốt dòng lịch sử, bởi vì lịch sử của họ là một chuỗi những thế kỷ làm nô lệ cho hết nước này đến nước khác! Vì thế, khi Đức Giêsu biến đổi dung mạo trên núi cao, các môn đệ, tuy dù là thân tín, được Đức Giêsu giáo dục cách đặc biệt hơn, vẫn hiểu theo nghĩa vinh quang này.
Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh Con Người để nói về sự vinh quang mang tính xét xử, nhưng điều ấy chỉ thể hiện ở thời cánh chung mà thôi. Còn trên hành trình dương gian, hình ảnh này đi liền với mầu nhiệm thập giá của Đức Giêsu. Cuộc biến đổi dung mạo của Đức Giêsu nhằm hướng các môn đệ về cuộc thương khó sắp tới. Tin Mừng Marcô không ghi nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và hai ông Môsê và Êlia về “cuộc xuất hành” Ngài sắp thực hiện tại Giêrusalem (x. Lc 9,31), nhưng vẫn ghi lời Đức Giêsu ám chỉ điều đó: “Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9,9). Ông Marcô cũng ghi nhận rằng các môn đệ không hiểu gì về lời đó!
Trong cuộc thương khó, Đức Giêsu nói: Nước tôi không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36). Giáo Hội và các tín hữu luôn cần tỉnh thức để không tìm kiếm vinh quang trước thời hạn! Hồng y Ratzinger viết rằng: các tín hữu ở trong một Giáo Hội lớn lao phổ biến trên thế giới như cây cải lớn, nhưng vẫn phải sống đồng thời với ý thức về hạt cải bé nhỏ. Những điều lớn lao, những con số đông đảo rất nhiều khi không thể hiện được Nước Thiên Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn