"Nộp thuế" cho Thiên Chúa - Thứ Ba Tuần IX - Mùa Thường Niên

"Nộp thuế" cho Thiên Chúa - Thứ Ba Tuần IX - Mùa Thường Niên

"Nộp thuế" cho Thiên Chúa - Thứ Ba Tuần IX - Mùa Thường Niên

“NỘP THUẾ” CHO THIÊN CHÚA 

Tb 2,9-14; Mc 12,13-17 

Thứ Ba Tuần IX - Mùa Thường Niên, 06/06/2023

Trong câu chuyện đặt bẫy cho Đức Giêsu về việc nộp thuế cho hoàng đế Roma, người ta ghi nhận sự hiện diện của hai thành phần quan trọng là những người thuộc nhóm Pharisêô và Hêrôđê (x. Mc 12,13). Tại sao có ghi nhận này? Nhóm Pharisêô được coi là theo chủ nghĩa dân tộc, chống lại ách đô hộ của người Roma. Ngược lại, nhóm Hêrôđê thì ủng hộ gia tộc Hêrôđê là những người được hoàng đế Roma ủng hộ, là tay sai của việc cai trị của họ ở Palestina, vì thế, nhóm này cũng ủng hộ hoàng đế Roma. Hai nhóm với hai chủ trương đối nghịch nhau đã liên kết lại để loại trừ Đức Giêsu! Đức Giêsu đã vượt qua cái bẫy này thế nào?

Đức Giêsu hỏi đồng tiền đang lưu hành in hình gì? Khi những người kia cho xem đồng tiền in hình hoàng đế Roma (Cesar là tước hiệu chỉ hoàng đế), Đức Giêsu trả lời: của Cesar thì trả lại cho ông ta! Đây là cách nói của Đức Giêsu để vượt qua cái bẫy, bởi vì chính những người Pharisêô chống đế quốc cũng đang dùng đồng tiền in hình hoàng đế mà! Điều mà Ngài nhắm đến là vế thứ hai: Của Thiên Chúa thì hãy trả về cho Thiên Chúa (x. Mc 12,17)! Cách trả lời này khiến cho những người chất vấn “hết sức ngạc nhiên về Ngài” (Mc 12,17).

“Nộp thuế” cho Thiên Chúa hiểu theo nghĩa là những gì của Thiên Chúa thì hãy trả về cho Thiên Chúa. Mà có gì tốt lành con người có được lại không đến từ Thiên Chúa đâu! “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Những gì chúng ta đang có không đương nhiên là của mình, nhưng là do nhận lãnh từ Thiên Chúa. Có thể qua trung gian của người khác, nhưng những điều ấy vẫn luôn có nguồn gốc sau cùng là chính Thiên Chúa. Có thể do đôi tay làm việc của chúng ta, nhưng nói cho kỳ cùng thì vẫn là do từ Thiên Chúa. Như vậy, đón nhận ân ban và mang chúng ra để phục vụ tha nhân trong tâm tình biết ơn Thiên Chúa, là điều cần phải có. Việc chiếm hữu cách bất công, với bạo lực nữa, là một thứ ngạo mạn, cho rằng những gì mình có chỉ do từ mình mà thôi.

Sống ý nghĩa ân ban mang đến cho kitô hữu tâm tình biết ơn, đồng thời cũng mang theo tâm tình thanh thản trước ân ban nơi người khác. Ân ban đến từ Thiên Chúa và khác nhau nơi mỗi người; vì thế, thái độ ganh tị, phủ nhận điều tốt lành nơi người khác là một hình thức phản kháng Thiên Chúa, không để cho người khác trả lại cho Thiên Chúa điều Ngài đã ban cho họ!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn