Sau cuộc biến hình trên núi, Chúa Giêsu dặn các môn đệ đừng tiết lộ những điều ấy cho đến khi Người từ cõi chết sống lại. Marcô cho biết lời căn dặn này khiến các ông thắc mắc:
“Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì.” (Mc 9,9).
Các ông thắc mắc về điều ấy bởi vì sống lại từ cõi chết là một chuyện hoàn toàn mới mẻ với các ông. Các ông chưa nghe nói và chưa có kinh nghiệm về điều ấy bao giờ! Như thế, tuy dù ba môn đệ này đã chứng kiến Thầy mình biến hình sáng láng, nhưng các ông chỉ hiểu chuyện ấy như là vinh quang mà các ông đã thấy trước mắt thôi, chứ chưa hiểu được về cuộc thương khó rồi cái chết của Thầy Giêsu và sự sống lại của Người sau đó, mặc dù trước đó, Chúa Giêsu đã nói với họ về cuộc Vượt Qua này.
Chỉ có đức tin mới có thể thấy được sự phục sinh đàng sau cái chết, thấy được vinh quang đàng sau cuộc khổ nạn. Tác giả thư Hipri viết:
“Thưa anh em, đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Hr 11,1)
Như vậy, khi chúng ta chưa dám chọn lựa con đường của Tin Mừng, chưa dám dấn bước vào con đường của mầu nhiệm Vượt Qua, tức là chúng ta chưa đủ lòng tin, lòng tin ấy chưa đủ sống động để có thể chi phối cuộc sống, chi phối cuộc đời chúng ta! Nếu theo đạo chỉ là một thủ tục hành chánh, chỉ là tuân thủ một số nghi lễ và luật buộc, thì chúng ta sẽ không đủ can đảm để đi con đường thập giá. Phải là một mối tương giao thân tình với Chúa Kitô, hàng ngày chiêm ngắm Người và con đường của Người, thì các kitô hữu mới ngày một thêm can đảm để trả giá cho niềm tin của mình.
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn