Niềm hy vọng về công lý - Thứ Sáu Tuần I - Mùa Vọng

Niềm hy vọng về công lý - Thứ Sáu Tuần I - Mùa Vọng

Niềm hy vọng về công lý - Thứ Sáu Tuần I - Mùa Vọng

Niềm hy vọng về công lý

Is 29,17-24; Mt 9,27-31

Thứ Sáu Tuần I - Mùa Vọng, 06/12/2024

 

Công lý là khát vọng chung của mọi người và đụng chạm đến cuộc sống của mọi người. Ai cũng hy vọng cuộc sống được diễn ra trong công l‎ý. Nước nào càng văn minh thì công l‎ý càng được thể hiện tốt hơn. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng không nơi đâu có công lý hoàn toàn cả!

Một trong những vấn nạn lớn giữa dân Chúa là sự bất công, và nạn nhân luôn là những người nghèo, người thấp cổ bé miệng. Các tiên tri qua mọi thời đại đều gặp vấn nạn xã hội ấy. Tiên tri Isaia cũng nói đến điều ấy trong bài đọc hôm nay. Và như vậy, ông nói với dân về niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ xét xử những người gây ra bất công và trả lại công bình cho những người bé mọn trong xã hội.

“Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi,

và vì Đức Thánh của Ítraen,

những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng.

Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa,

quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong,

và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ”

(Is 29,19-20) 

Niềm tin vào Thiên Chúa không xem thường khát vọng về sự công bằng trong đời sống con người. Lời Chúa vẫn luôn mời gọi sự sám hối và trả lại công bằng cho người khác. Tuy nhiên, một mặt khác, Lời Chúa cũng giúp cho con người biết cách đối diện với những bất công, bởi vì nền công lý viên mãn chỉ có vào ngày cánh chung mà thôi. Con người của thời đại nào cũng vẫn mang theo mình những đam mê, dục vọng, và như thế, họ vẫn có thể gây ra những điều bất công.

Vậy thì, để đối diện với tình trạng đó, những phản kháng do bức xúc trước bất công làm sao đừng đưa đến những bất công khác nữa, đừng đưa đến những cuộc tàn sát còn tồi tệ hơn nữa!

 Những bất công không chỉ xảy ra trên bình diện xã hội, nhưng còn trong những tương quan nhỏ giữa người với người, có khi giữa những người trong cùng một gia đình, trong cùng một cộng đoàn đức tin nữa. Trong lãnh vực này, cũng không luôn luôn có sự công bằng. Có khi sự công bằng với người này lại bị người khác coi là bất công! Vì thế, trong phạm vi này cũng phải nói đến tinh thần của Tin Mừng là biết quảng đại với nhau hơn là phen bì, biết chấp nhận giới hạn, sai sót của nhau, cần biết kiên nhẫn chờ đợi nhau thay đổi.

Ngay trong những hoạn nạn, bệnh tật của con người cũng bao gồm những bất công, những phi lý ở đó. Những bệnh tật bẩm sinh, những thứ bệnh do ô nhiễm môi trường... đâu có phải do lỗi của bệnh nhân. Ở lãnh vực này, người ta cũng cần đến tinh thần Tin Mừng để biết đối diện với chúng.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn