Một điều đáng lưu ý là trong giáo huấn của các tông đồ được lưu lại nơi các thư gửi cho tín hữu (thư Phaolô, thư Phêrô và thư Gioan), các ngài nhiều phen nói đến niềm hy vọng. Niềm hy vọng là một thể hiện đặc biệt của niềm tin vào sự phục sinh. Cái chết được mở ra với sự phục sinh. Đau khổ được mở ra với hạnh phúc. Niềm hy vọng ấy được thể hiện trong thế giới này, nhưng cũng được thể hiện trong thế giới mai sau nữa.
Câu chuyện người giàu có hỏi Đức Giêsu làm sao để có được sự sống đời đời (x. Mc 10,17) chứng tỏ ông đã có niềm hy vọng với tầm nhìn xa. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng giáo thuyết của các Pharisêô là những người thời bấy giờ đã tin có sự sống mai sau, trong khi các nhóm khác thời Đức Giêsu thì chưa có niềm tin ấy, vì với họ, bên kia cái chết là âm phủ, nơi không có niềm hy vọng mà chỉ là sự ảm đạm, là một đời sống “vật vờ”! Tuy nhiên, “niềm hy vọng tầm xa” của ông đã bị giới hạn lại bởi những của cải ông đang có. Khi được mời gọi chia sẻ của cải ấy cho người nghèo và bước theo Đức Giêsu để có được sự sống đời đời, ông đã buồn rầu bỏ đi!
Ông Phêrô đã từng để cho “niềm hy vọng tầm ngắn” là vương quyền của Đấng Messia giới hạn mình. Ông Gioan và các bạn bị giới hạn với sự trổi vượt của phe nhóm mình trên những người khác. Nhưng sau phục sinh, các ông đã chuyển niềm hy vọng của mình trở thành tầm xa hơn:
“Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1Pr 1,3).
Nhìn lại những gì tôi bận tâm, tôi chọn lựa, tôi nỗ lực hàng ngày, tôi sẽ nhận ra niềm hy vọng của mình ở tầm ngắn hay tầm xa. Niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh mời gọi tôi đi về niềm hy vọng tầm xa hơn!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn