Niềm hy vọng tầm xa của kitô giáo không được coi là một thứ mơ mộng viễn vông. Trái lại, niềm hy vọng kitô giáo cũng lại mang ý nghĩa rất thực tiễn và được thể hiện ngay trong cuộc sống hôm nay, ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Thời Đức Giêsu, ảnh hưởng của các Pharisêô trên dân chúng là rất phổ biến, vì họ gần với dân hơn các nhóm khác. Vì thế, giáo thuyết của nhóm Pharisêô tin vào sự sống đời đời cũng phổ biến nơi nhiều người. Khi thấy người giàu có bỏ đi vì Đức Giêsu mời ông từ bỏ của cải và đi theo Ngài để có được sự sống đời đời, ông Phêrô liền lên tiếng vì cho rằng các môn đệ của Đức Giêsu đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Nơi các môn đệ có cùng lúc hai điều: vừa muốn sự sống đời đời, vừa muốn được vinh quang nơi vương quyền của Đấng Messia ngay ở đời này.
Đức Giêsu hứa cho họ cả hai, nhưng theo ý nghĩa khác với ý nghĩ của họ. Họ sẽ nhận được “nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10,30). Tình người và của cải vật chất họ sẽ được gấp nhiều lần theo nghĩa vì họ trở thành người phục vụ mọi người nên được mọi người quý mến, và mọi người trở nên “những người nhà” trong gia đình Thiên Chúa được thể hiện nơi Giáo Hội.
Đức Giêsu còn nói đến sự ngược đãi nữa. Điều này chỉ được ghi lại trong Tin Mừng Marcô mà thôi. Con người chân thật của ông Marcô đã ghi lại điều rất hiện thực này. Dấn thân cho sứ mạng xây dựng tình huynh đệ phổ quát thì cũng bị nhiều người ghen và ngược đãi. Như vậy, niềm hy vọng kitô giáo có tầm nhìn rất xa nhưng cũng rất thực tiễn, rất ư hiện sinh.
Khuynh hướng của nhiều người thời hậu hiện đại quan tâm rất nhiều đến bản thân và chỉ muốn tìm kiếm sự an nhiên tự tại cho cuộc sống của mình, không quan tâm đến việc xây dựng một thế giới huynh đệ và cũng không quan tâm đến đời sau. Niềm hy vọng kitô giáo có thể gióng lên lời mời gọi cho con người hôm nay về niềm hy vọng vừa rộng mở, vừa thật gần nhưng cũng thật xa.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn