Những người thuộc về nhau - Thứ Năm Tuần V Thường Niên

Những người thuộc về nhau - Thứ Năm Tuần V Thường Niên

Những người thuộc về nhau - Thứ Năm Tuần V Thường Niên

NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ NHAU 

St 2,18-25; Mc 7,24-30 

Thứ Năm Tuần V Thường Niên, 09/02/2023

Người đàn bà xứ Phênixi, vừa với lòng tin, vừa với sự kiên nhẫn trong nhục nhằn, đã xin được Chúa Giêsu cứu con gái mình khỏi quỷ ám! Đó là đứa con gái yêu quý của bà, nó thuộc về bà, là khúc ruột của bà, nên bà sẵn sàng làm tất cả, dẹp lòng tự ái sang một bên, để cứu con mình. Đó là cách sống của những người thuộc về nhau.

Câu chuyện Thiên Chúa làm nên Eva cho Adam, tuy dù là ngôn ngữ ẩn dụ, cũng giúp chúng ta hiểu thêm về điều đó. Với mọi loài, Thiên Chúa đều dùng đất sét để dựng nên chúng: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời” (x. St 2,19). Trước đó, với Adam, Thiên Chúa cũng làm tương tự: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thế nhưng, với Eva thì khác.

“Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người (adam), và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người (adam) ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người (adam). Con người nói: ‘Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!’ ” (St 2,21-23)

Eva được dựng nên từ xương và thịt của Adam, khiến cho người này trở thành xương, thành thịt của người kia. Từ ngữ “adam” có hai nghĩa: hoặc là đàn ông, hoặc là con người nói chung. Vì thế, có bản dịch ghi là: “Con người (adam) ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Là con người, theo như ý định Thiên Chúa, đều cần có người khác. Adam thấy cần một “trợ tá tương xứng” (St 2,20). Loài vật không đáp ứng được nhu cầu này, chỉ có người khác mới “tương xứng”. Người khác là trợ tá tương xứng và không thể thiếu, bởi vì cả hai là xương là thịt của nhau.

Xương thịt có lúc cũng làm đau đớn cho nhau, nhưng cả hai đều có liên đới với nhau trong cả sự sống và trong lỗi phạm: cùng sống và cùng gây ra hậu quả nghiêm trọng! Sống với người khác như những người thuộc về nhau có nghĩa là “cộng sinh” và cùng đảm nhận những giới hạn, những đau đớn và cả những lỗi lầm của nhau nữa!

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn