Trong bầu khí của Năm Thánh của Niềm Hy Vọng 2025, Bộ Đời Sống Thánh Hiến mời gọi hướng về Năm Thánh của đời sống thánh hiến được tổ chức ở Roma vào ngày 08 đến 09 tháng 10 năm 2025 với chủ đề: “Những người hành hương của niềm hy vọng trên lộ trình hòa bình”. Chủ đề này được gợi hứng từ thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đức Hồng Y Rino Fisichella về việc mở Năm Thánh 2025. Đức Thánh Cha viết về tình hình thế giới hôm nay đầy những chiến tranh, bạo lực, những tình cảnh thảm thương… Những người sống đời thánh hiến được mời gọi trở thành những người bước đi trên lộ trình của hoà bình, trở thành người mang lại bình an.
Hài nhi Giêsu được dâng trong Đền Thờ như là một con người được dâng cho Thiên Chúa đồng thời cũng là Đấng Messia được Thiên Chúa giới thiệu cho dân chúng. Đức Giêsu ấy làm thoả lòng chờ mong của ông cụ Simêon và bà cụ Anna để họ có thể ra khỏi cõi đời này trong bình an. Ngài trở thành ánh sáng để đưa muôn dân đi về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài cũng trở thành mục tiêu cho nhiều người chống đối, và tiếc thay, những người chống đối ấy lại là dân được tuyển chọn. Đức Maria như là người cộng tác gần gũi nhất với Đức Giêsu trong công trình cứu độ này, nên Mẹ cũng phải đón nhận gươm giáo xuyên thấu tâm hồn (x. Lc 2,34-35).
Những người sống đời thánh hiến muốn trở thành người tác tạo hoà bình cũng phải chấp nhận đối diện với “gươm giáo”. Nói cách khác, người thánh hiến phải có khả năng đối diện với những công kích, nói xấu, phê phán, hàm oan… theo cách thức hoà bình để mang lại bình an cho tâm hồn mình và cho môi trường sống. Không ít khi họ phải đối diện với “gươm giáo” gây ra bởi chính những người được gọi trong đời sống thánh hiến cùng với mình!
Nhưng họ sẽ đối diện cách nào đây? – Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng mà họ bước theo. Thư Hipri mô tả đó là người trở nên anh em của mọi người, chịu những đau khổ do con người gây ra, chịu tội thay cho người khác như là hiến lễ, biết cảm thương, biết chuyển cầu cho người khác. Đó chính là lộ trình bình an mà người sống đời thánh hiến được mời gọi thể hiện trong cuộc sống hôm nay. Họ vừa là những người hành hương của niềm hy vọng vừa là những người mang lại hy vọng cho thế giới hôm nay. Nếu họ trở thành tác viên của hoà bình ngay trong cộng đoàn đời tu của họ, thì họ và cộng đoàn của họ có thể trở thành tác nhân hoà bình cho môi trường sống chung quanh.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn