“Tôi cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Trong miệng tôi nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng.” (Kh 10,10).
Giáo huấn của Chúa vừa ngọt ngào vừa đắng ngắt. Không thể thiếu một trong hai. Nếu chỉ chọn hoặc chỉ muốn nghe sự ngọt ngào của giáo huấn, thì người ta chỉ “lợi dụng” Thiên Chúa cho lợi ích của bản thân. Những người coi Đền Thờ Giêrusalem như nơi tìm kiếm lợi ích cho bản thân, họ lợi dụng tôn giáo và họ biến Đền Thờ trở thành nơi đổi chác, thành “hang trộm cướp” (Lc 19,46). Cũng có khi niềm tin tôn giáo trở thành một thứ ru ngủ để mình an tâm ở lại trong lối sống quen thuộc hoặc lối sống gian dối của mình.
Ngược lại, nếu chỉ thấy sự đắng ngắt của giáo huấn Tin Mừng, người ta trở thành những kitô hữu mang khuôn mặt ủ dột! Đó không phải là Tin Mừng. Tín hữu chỉ coi luật đạo như một thứ ép buộc phải giữ, thì luật lệ làm cho họ trở nên căng thẳng và cũng khiến họ trở nên căng thẳng với người khác, hay bắt bẻ người khác! Vị đắng của giáo huấn Tin Mừng mang lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc. Đó là vị ngọt mà đời sống theo Tin Mừng mang lại cho chính bản thân và cho người chung quanh.
Đừng trở thành kitô hữu hay cằn nhằn, hay phê phán người khác. Ngược lại, cũng đừng là kitô hữu ươn lười không muốn cố gắng, không muốn vươn lên; đừng sợ hy sinh, sợ từ bỏ. Hãy là kitô hữu đầy lòng yêu mến và hân hoan của người được cứu độ. Thánh Cecilia tử đạo là người của lời ca, tiếng hát, là người của lòng hân hoan.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn