Trong số các bạn hữu, có nhiều linh mục. Cha Faure đôi lúc không theo kịp đứa con thiêng liêng. May thay cha không có tính chiếm hữu và không ngại nhờ cậy các đồng nghiệp có thẩm quyền hơn.
Người đầu tiên là cha Perrier, làm cha sở làng bên cạnh là Saint-Uze từ 1913 đến 1938. Trong tấm bức thiếp gửi mừng bổn mạng chị Marthe, cha gọi chị “con rất yêu quý của cha”. Việc này có nghĩa là chị Marthe không coi tình cha thiêng liêng của cha Faure đối với chị là độc chiếm. Chị Marthe sẽ gởi cho cha Perrier bản Kinh Phó Thác đầu tiên, chứng tỏ giữa hai người có thân mật thiêng liêng thật sự.
Trường hợp của cha Betton [1] là khác. Lúc đó cha là giáo sư triết học ở chủng viện Saint-Paul-Trois-Châteaux. Cha là nhà trí thức, chuyên về môn thần học thần nghiệm. Cha cũng là một người có đời sống thiêng liêng: cha có những “anten” trong lãnh vực này. Cha được cha Perrier dẫn tới chị Marthe. Cha đến với tư cách một người chuyên môn quyết định may ra có thể khám phá một sự gian trá chăng. Ít lâu sau cha kể lại lần gặp đầu tiên với chị Marthe: “Tôi tới phòng chị và lập tức tôi cảm nhận sự hiện diện của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần khiến tôi cảm thấy mình bé nhỏ, bé nhỏ”. Trong buổi nói chuyện đầu tiên với chị Marthe Robin, cha chỉ cho chị thấy có điểm không chính xác về mặt thần học trong một điều chị mô tả. Chị tuân theo phán đoán của cha cách khiêm tốn, không quanh co. Cha Betton nhận thấy đức khiêm tốn của chị Marthe, cha đánh giá chị là một người thần nghiệm đích thực.
Cha Betton giữ một vai trò quan trọng vì cha soi sáng cho chị về bản chất những hiện tượng đã xảy ra trong đời sống của chị. Cha giải thích cho chị biết có nhiều loại thị kiến: thuộc lãnh vực lý trí, tưởng tượng và cảm giác. Chị cần có từ ngữ để diễn tả những kinh nghiệm, và nếu thiếu từ ngữ chính xác, chị có thể sai lầm. Nếu chị đi không đúng đường khi mô tả đời sống nội tâm của chị, thì có thể dẫn tới những hậu quả trầm trọng. Nhờ cha Betton, chị Marthe nhanh chóng nhận thấy giá trị tương đối và vai trò riêng của những hiện tượng khác nhau, như trong một bài chị viết năm 1930, chúng tha thấy chị so sánh những thị kiến ở phạm vi lý trí và những thị kiến ở phạm vi tưởng tượng.
Trong thời gian này, có một linh mục dòng Tên, cha Albert Valensin, một trong những nhà trí thức của dòng Tên ở Pháp đến thăm chị Marthe. Năm 1936 cha nói với Linh phụ Finet về chị như sau: “Ồ, Marthe Robin tôi biết chị. Cách đây không lâu lắm Đức Giám Mục Pic có dẫn tôi đến thăm chị. Tôi đã ở lại ba giờ đồng hồ với chị”. Sau này cha so sánh chị với thánh nữ Catherine thành Sienne.
Đối lại, những liên lạc với cha Marie-Bernard không tiếp tục qua năm 1930. Tới một lúc nào đó, linh mục tu sĩ đâm ra sợ. Đó không phải hiếm có trường hợp những người tiếp xúc với các người thần nghiệm. Cha hỏi ý kiến một vị chuyên môn về những vấn đề linh đạo, Đức Ông Saudreau, tuyên uý các nữ tu dòng Đấng Chăn Chiên Lành ở Angers. Đức Ông là tác giả nhiều sách nổi tiếng về lãnh vực linh đạo. Đức Ông Saudreau ít được cha Marie-Bernard thông tin về chị Marthe, đã đề nghị làm một thứ trắc nghiệm; cha Marie-Bernard đã thực hiện một cách có thể nói là ngây ngô: cha xin chị Marthe đi chụp ảnh và trao cho cha một bức ảnh. Khi chị Marthe trao bức ảnh cho cha chị nghĩ là ít xấu xí nhất. Cha tưởng là chị mắc chứng kiêu ngạo. Cha xét trắc nghiệm là bằng chứng xác thực, do đó cha đã đưa ra một phán đoán dứt khoát tiêu cực đối với chị Marthe, khác với trước đó ít lâu, cha có đưa ra một phán đoán cũng dứt khoát, nhưng tích cực đối với chị[2]. Kết quả là bà du By giàu lòng quảng đại, có quen biết cha Marie-Bernard và theo ý kiến của cha, nên chấm dứt tình bạn với chị Marthe. May thay, cha Faure và hai cha Perrier và Betton không bị lung lay. Trái lại, chị Marthe vô cùng đau khổ vì tình thế đó, đặc biệt trong hai tháng 10 và tháng 11 năm 1930: “Hồn tôi chìm trong cay đắng”. “Hồn tôi hoàn toàn chìm ngập trong đau khổ”. Thực tế việc đoạn tuyệt đã có kèm theo những cuộc gặp gỡ và liên lạc thư từ tố cáo.
Thế mà chị Marthe đang cần nâng đỡ bởi vì giờ đây chị bước vào giai đoạn mới của đời sống thần nghiệm, như một số thánh nhân trong lịch sử Giáo Hội, chị sống lại cuộc Thương khó của Đức Kitô mỗi ngày thứ Sáu.
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Lê Tấn Thành
[1] Không nên lẫn lộn với cha Beton, vị sáng lập Foyer de Charité de la Léchère, như sẽ nói sau.
[2] Những bức ảnh do thợ chụp ảnh Max Taly, xứ Romans, chụp ngày 11 tháng 8 năm 1930. Bức ảnh chụp chị Marthe có đội khăn không phải là bức ảnh chụp ngày chị gia nhập hội các Trinh Nữ, trái với điều người ta viết ở nơi kia. Đó là một truyền thuyết: bởi vì ở thời đó cấm tiếp nhận vào hội các Trinh Nữ những người sống ngoài đời (Bộ Tu Sĩ có công bố một sắc chỉ ngày 25 tháng 3 năm 1927 xác nhận việc cấm này). Bức ảnh chị Marthe có đội khăn đúng là của chị với trang phục dòng ba Phanxicô. Lúc đó chị tưởng có thể mình sắp chết. Chị đặt may cho chị chiếc áo liệm và tính biếu ảnh đó cho các bạn hữu. Dưới đây là điều cha Marie-Bernard viết về bức ảnh đó: “Để lộ ra ánh sáng tính hư danh của chị, tôi khuyên chị chụp ảnh: Cha sở chụp cho chị hai bức ảnh (trích nguyên văn). Một bức ảnh của chị xấu thậm tệ và bức ảnh thứ hai của chị nơi trán có khăn ren Valence, coi giống nữ minh tinh Sarah Bernard hơn là một cô bé nông thôn đáng thương. Chước cám dỗ thích hư danh và làm dáng đã kích thích chị: chị đưa cho tôi ảnh giống Sarah Bernard và quên đưa ảnh chân dung thật của chị”. Chúng tôi để lại cho cha Marie-Bernard cái đánh giá của cha về “dáng xấu thậm tệ” của bức ảnh Marthe Robin, bức ảnh mang vẻ tự nhiên của chị.