Vấn nạn của đời sống tôn giáo là không biết nghe. Khi nói về đời sống đạo, có lẽ chúng ta nghĩ ngay đến chuyện thờ phượng, các lễ nghi...; và nếu đời sống đạo có sa sút, cần phải chỉnh đốn, có khi người ta cũng tập trung vào đó. Nhưng vấn đề mấu chốt không phải là ở đó, mà là thái độ không biết nghe! Tác giả sách Barúc nhìn lại quá khứ của dân Do Thái và bày tỏ lòng sám hối: “Từ ngày Đức Chúa đưa cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập cho tới ngày nay, chúng tôi vẫn bất tuân đối với Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, vẫn làm ngơ không chịu nghe tiếng Người.” (Br 1,19).
Nhưng giả như Thiên Chúa nói cách mạnh mẽ, đáng sợ như ở Sinai, chắc là người ta nghe ngay thôi. Nhưng khi Chúa nói qua người khác, thì xem ra người ta không quan tâm, không mặn mà với những lời này. “Chúng tôi đã không vâng nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không tuân giữ mọi lời các ngôn sứ Người đã sai đến với chúng tôi.” (Br 1,21). Ngay cả với Đức Giêsu, với diện mạo của một con người, với lý lịch về gia đình bình dị, người ta cũng không sẵn sàng để lắng nghe lời Ngài. Thế nhưng khi Ngài biến hình sáng láng, phản ánh phần nào vinh quang Thiên Chúa, thì Ngài lại không cho các môn đệ chứng kiến được nói lại cho người khác!
Phải chăng Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI hiện nay đã nắm bắt được điều cốt yếu khi kêu gọi thái độ biết lắng nghe tiếng Chúa qua những người giản dị, quen thuộc, và coi đó là con đường Chúa muốn cho công cuộc canh tân của Giáo Hội ngày nay.
“Một tương lai khác cho Giáo Hội và cho các định chế của Giáo Hội xứng tầm sứ vụ mà Giáo hội nhận lãnh, tùy thuộc phần lớn vào quyết định khởi động những tiến trình lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng, trong đó tất cả và mỗi người đều có thể tham gia và góp phần” (Tài liệu chuẩn bị THĐ XVI).
Biết nghe, biết nghe tiếng Chúa qua mọi người, đó là con người của Thánh Thần, đó là con đường để sống đạo.
"Your Heart, His Home
To “listen” one another
Trái tim bạn là ngôi nhà của anh ấy,
để lắng nghe nhau. (Elizabeth Kelly)
LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn