Một Giáo Hội "đong đưa" giữa thánh thiêng và phàm tục - lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Một Giáo Hội "đong đưa" giữa thánh thiêng và phàm tục - lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Một Giáo Hội "đong đưa" giữa thánh thiêng và phàm tục - lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

MỘT GIÁO HỘI “ĐONG ĐƯA” GIỮA THÁNH THIÊNG VÀ PHÀM TỤC !

Cv 12,1-11; 2Tm 4,6-8.17-18; Mt 16,13-19 

Thứ Năm Tuần XII - Mùa Thường Niên,

lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, 29/06/2023

Đối diện với một Giáo Hội đang gặp nhiều điều tiêu cực, do những chống đối đầy ác cảm từ bên ngoài và cả những gương xấu từ bên trong Giáo Hội nữa! Trước tình trạng ấy, người Công Giáo phải củng cố lại xác tín về tính chất thánh thiêng của Giáo Hội, là Hội Thánh, bởi vì Hội Thánh do chính Chúa Kitô thiết lập và thuộc về Ngài là Đấng Thánh; nhưng đồng thời, họ cũng khiêm tốn nhìn nhận tính chất phàm tục nơi các thành viên, nơi chính bản thân mỗi người. Giáo Hội như “đong đưa” giữa tính chất thánh thiêng và tính chất phàm tục. Tôi gọi là “đong đưa” bởi vì, tuy dù Giáo Hội được đặt trên nền đá vững vàng là chính Chúa Kitô, thì các thành viên lại đang sống cuộc đời trần thế, với hành trình còn nhiều thách thức, khi thì vững tin, khi thì yếu đuối.

Chính thánh Phêrô, mới vừa được Thầy Giêsu khen là nhận được mạc khải từ Chúa Cha, coi ông là nền đá cho Giáo Hội do Ngài thiết lập (x. Mt 16,17), thì liền sau đó, ông đã bị Ngài rầy là theo thói của Satan, suy nghĩ theo kiểu người phàm (x. Mt 16,23)! Chính bản thân ông này cũng “đong đưa” giữa thần thiêng và phàm tục. Nhưng cho dù thế nào, chúng ta vẫn xác tín rằng Thiên Chúa đang ở cùng mình. Đời sống của Giáo Hội thời ban đầu được xây dựng trên xác tín đó. Trong cảnh tù tội, cả ông Phêrô và Phaolô đều luôn tin tưởng vào điều đó (bài đọc 1 và 2).

Từ tình trạng “đong đưa” này, các thành viên của Giáo Hội ý thức rằng mình có nền móng, có cột trụ vững chắc để không thất vọng khi gặp những gương xấu trong Giáo Hội. Đã có những người bỏ đạo vì gương xấu của các thành viên trong Giáo Hội, nhưng như thế là chưa đủ xác tín vào nền tảng, vào cột trụ này. Nhìn từ mặt khác, tình trạng “đong đưa” này mời gọi các tín hữu củng cố sự gắn bó với Chúa Kitô. Sự vững chắc không đến từ thành tích đạo đức của bản thân, nhưng đến từ chính Chúa Kitô. Biết như thế, các tín hữu sẽ không rơi vào tình trạng tự phụ. Chính nơi tâm hồn khiêm tốn mà Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta. Bao lâu chúng ta còn khiêm tốn, thì cơ may đứng vững vẫn còn. Đó là điều nghịch lý, nhưng lại dựa trên nền tảng là chính Chúa Kitô mới là Đá Tảng của Hội Thánh.

LP. Giuse Nguyễn Trọng Sơn