Mới cũ, hư cả hai
St 27,1-5.15-29; Mt 9,14-17
Thứ Bảy Tuần XIII - Mùa Thường Niên, 05/07/2025
Người Do Thái cũng như những dân chung quanh đều tin vào lời chúc phúc và lời nguyền rủa. Khi người ta nhân danh thần linh chúc phúc cho con cái hay chúc dữ cho ai thế nào thì sẽ thành như vậy. Vì thế mà Cựu Ước kể chuyện Thiên Chúa chuyển lời chúc dữ của thầy pháp Balaam thành lời chúc lành cho dân Do Thái. Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện bà Rêbêca thương con thứ là Giacóp hơn nên giúp con lừa dối cha là Isaac để nhận lời chúc phúc của người anh cả là Êsau! Người ta có thể nói rằng không nên dùng tư tưởng của con người hôm nay để phê phán người xưa, nhưng dù sao đi nữa thì câu chuyện cũng cho thấy đó là sự gian dối, lừa lọc, vì thế họ mới sợ bị phát giác. Và khi anh Êsau phát hiện thì hai anh em trở nên thù hận với nhau. Như vậy có thể nói rằng đó không phải là điều Thiên Chúa muốn. Tuy các tác giả bản văn muốn cho thấy Thiên Chúa phù hộ người bé nhỏ hơn và từ dòng dõi ông Giacóp mà đưa đến Đấng Messia, nhưng cũng không vì thế mà có thể kéo Thiên Chúa về phía mình để bênh vực cho sự gian dối.
Những người Pharisêô muốn người ta phải giữ những luật đạo đức nói chung và ở đây là luật giữ chay. Việc giữ luật có thể giúp cho người ta thống nhất đời sống của mình, không nhập nhằng giữa điều tốt và điều xấu, bởi vì luật đưa ra quy chuẩn cho cuộc sống. Tuy nhiên, khi giữ luật cách sai lạc, người giữ luật đạo đức lại trở thành những người lên án người khác. Và hơn nữa, luật không phải là quy chuẩn cuối cùng, mà phải là Thiên Chúa. Trong khi mải giữ sự đạo đức cho bản thân, người ta không còn tỉnh thức để nhận ra Đấng Thiên Chúa sai đến, và như vậy, họ loại trừ người của Thiên Chúa! Khi ấy, điều được coi là đạo đức thực ra lại trở thành hành vi trái đạo đức! Sự chồng chéo này làm phá đổ!
Khi đến với Chúa Giêsu, người ta được mời gọi thay đổi tận căn từ suy nghĩ cho đến chọn lựa và hành động. Nói là kitô hữu mà suy nghĩ và chọn lựa theo thói thế gian thì chỉ làm hư hoại như rượu mới đổ bầu da cũ, như vải mới vá áo cũ. Mà tình trạng giữ đạo “ba chỉ” xem ra rất phổ biến. Điều này làm cho đời sống kitô hữu cứ lấp lửng, đại khái, hữu danh vô thực... Coi chừng kẻo hư cả hai, mất cả đời này và đời sau! Chỉ khi Tin Mừng hoá trọn vẹn con người thì đời sống kitô hữu mới đưa đến sự phát triển mạnh mẽ làm thành toàn con người.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn